Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Cha, con và l’kel

0 nhận xét

Mặt trời khuất núi R’Deh. Chiều buôn Ma Đanh (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) bảng lảng. Lung linh lá cà phê, ánh sáng hắt ra từ mái nhà sàn. Lũ trẻ chân đất tâng tâng hồn nhiên. Chuyện kể về ông Ha Sen, chị Ma Tham với chiếc l’kel k’doh (kèn bầu) thao thức…
                                                      Buôn Ma Đanh dưới chân núi R'Deh

 L’kel Ha Sen
Lơ Mu Ha Sen là người Cill K’ho, sinh ra tận Lán Tranh, bên kia 2 cổng trời. Năm một chín sáu chín, chàng Ha Sen được sơn nữ Chu Ru bắt làm chồng. Sáu mươi tư năm được bảo bọc những tinh túy fonklore nam Tây Nguyên nhưng Ha Sen không biết thổi hay cái l’kel. Chỉ sửa l’kel cho lũ làng, từ 27 năm trước. Năm hai nghìn lẻ một, ông “liều lĩnh” làm cái l’kel k’doh. Kinh nghiệm cho ông biết: ống nứa loại mỏng vỏ, quả bầu dày vỏ và nhỏ mới đủ hơi thổi, sáp của con ong muỗi (khang) mới dẻo chứ không phải con “luê” (những loại ong thường thấy).

Nứa bầu phơi khô. Ống ngắn lượng âm nhỏ, dài lượng âm lớn. Sáu ống dùi sáu lỗ, vừa cử ngón tay nắm bấm là được. Ha Sen nói: “Bốn ống trên là nốt đồ, rê, pha, mi, hai ống dưới là son, thiếu 2 nốt la và xi”. Quả bầu gác bếp cho da lên màu nâu đỏ và săn. Bầu khoét rỗng, phần cong đầu cuống dùng ngậm thổi, hông bầu trổ lỗ xâu lọt sáu ống. Mọi kích thước đều bằng kinh nghiệm giác quan. Xong hộp âm (quả bầu), đường âm (sáu cây nứa), sau cùng là làm sáu cái lưỡi gà bằng inox. Khó nhất là nó, quyết định âm sắc. Hai tuần xong một cái l’kel k’doh. Nhưng để đạt chuẩn phải tháo lắp chỉnh nhiều lần. Ma Tham nói: “Hồi đầu, ông làm được một cái, người già đến thổi thử. Chưa hay, chờ họ về đóng cửa một mình làm lại vì mắc cỡ”. Như chỉnh ching, làm sao màu âm có hồn vía. Thế mới thiêng.

Âu là định mệnh. Lũ làng xì xào tai nhau: Nó (Ha Sen) được Yang N’Đu (vị Thần tối cao) giao gìn giữ nghiệp làm l’kel k’doh cho plei (làng) đó. Nghiệp chướng mà. Mười năm, già Ha Sen trở thành nghệ nhân làm l’kel k’doh. Ông là báu vật hiếm hoi. Ha Sen tự hào: “Cái này không phải là m’buốt của K’ho, cũng kèn bầu sáu ống nhưng âm khác. Còn có loại chỉ một ống thôi, tôi cũng làm được, nhưng phải quả bầu nhỏ như nắm tay, ít lắm. Loại l’kel sáu ống này người ta thích hơn”.
                                            Ha Sen
  
L’kel của Ha Sen có thương hiệu. Nó theo ông có mặt ở trăm nhà. Từ người Raglai tỉnh Ninh Thuận đến người Churu, K’ho, Châu Mạ ở Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà… tỉnh Lâm Đồng. Buôn K’long Đức Trọng mua 13 cái l’kel của ông rồi. Người Lâm Hà mang l’kel của Ha Sen vượt sông K’rông Nô bán tận bên Đăc Nông. Ha Sen tự định giá, trước ba, bốn trăm ngàn đồng, nay tám trăm rưỡi. “Mà mình không đủ cho người ta mua đâu, vì không có sáp con khang. Làm khó lắm, không bán rẻ được”, Ha Sen giải thích. Giao dịch hàng l’kel k’doh diễn ra đặc biệt. Người mua l’kel của Ha Sen là để tìm đồng điệu. Đúng âm sắc, l’kel là bạn tri âm. Thả hồn mấy điệu, chuẩn, mua liền. Cùng vui hai cái bụng, chủ mời khách ở lại rượu gà tâm giao, đắm đuối với l’kel …

Hỏi sao không truyền nghề, Hà Sen nói: “Rồi, nó không tích cực làm, bày cho Ya Lang (con rể) học một tuần nhưng làm không có được. Ya Duy (học cao đẳng sư phạm âm nhạc) ở bên R’Lơm, Lâm Hà cũng đến học, mỗi lần trả hai, ba chục ngàn nhưng cũng chưa được. Cái này phải có năng khiếu, kiên trì, tích cực mới làm được. Mình không dấu nghề đâu, chết thì ai làm !?”.

L’kel Ma Tham
B’ju Ma Tham 38 tuổi, con gái đầu của Ha Sen. Lũ làng gọi cô là Mẹ Thỏa, theo tên con trai (Ya Thỏa). Ma Tham cùng chồng Ya Lang lên rừng bắt mối. Mối nấu với da trâu, cà đắng tôi từng được K’Brit ở Di Linh cho thưởng thức, hấp dẫn vô cùng.

Bắt mối bằng cách phả khói thuốc lá vào lỗ, ngạt, mối bay ra mắc vào tấm mùng. Chỉ là loại mối đen mới ăn được. « Hôm nay ít lắm, vì trời mưa nó không ra, có được nắm à », Ma Tham nói.

Chúng tôi chuyển sang điệu l’kel k’doh. Ma Tham nói : « Quên rồi, lâu không thổi quên rồi. Mà mình nói tiếng Kinh không rành ». Bạn tôi, thầy giáo Anh văn Hàn Thiên Ngự phiên dịch. Ma Tham kể : « Nhiều điệu lắm, mình biết 12 điệu, vui, buồn, tình cảm vợ chồng, tình cảm con cái đói bụng nữa, con mất mẹ mất cha … ».
                                                              Ma Tham

« Mà l’kel hay mình mới thổi ». Bấm, thổi cái l’kel của Ha Sen, Ma Tham kết luận: « L’kel này được ! Đấy là katha dam r’ra ». Phút chốc, l’kel cuốn hút Ma Tham. Chị say biểu diễn và diễn giải. Bài con sóc (pro) gửi gắm về thân phận người con không có mẹ cha, sống một thân như con sóc đơn độc giữa rừng sâu. Giai điệu chậm buồn, xa vắng, nao lòng... Bài vui là cúng thần đập nước (bơ mung) hay mừng lúa mới (ngay yang boong ko pa tay), cúng sau mùa gặt (p'lei đây ru). Tiết tấu nhanh, rộn ràng: chị em mình cứ vui lên, con trai con gái vui mừng với nhau, giao duyên (xơhalu tam t’ra) bên nhau… Bài ru con (a lú a ná), nhẹ nhàng, đung đưa đung đưa... Điệu l’kel tiễn đưa người mất buồn mà không lụy. An ủi người ở lại, dặt dìu tiễn người đi... «Trước khi đi chôn, mình thổi ru đưa tiễn, linh hồn ở lại bên mình (ơlúx’oan) », Ma Tham ngừng thổi, nói.

Bài lấy lửa (so r’vu rat kngan chil abui…), rất cổ (lấy lửa bằng cà vỏ cây vào nhau), l’kel thủ thỉ tâm tình: con đang đói rồi vợ ơi, chàng đang làm mỏi tay mới ra lửa… Bài tập trung, đoàn kết (tơrgum, tập trung x’ni) l’kel lại nói : Cùng nhau về bên chóe rượu cần, ai cũng ở nhà xa là chia rẽ, dù đất ở nơi xa nào cũng phải tập trung ở bên nhau, cùng sống với nhau... L’kel ngân, cuốn hút, du dương mời gọi…Bài chàng đi trước rước nàng đi sau (gădra nau lơhâu gadra nau h’dơi, tam nau haulo k’ra lui k’tu) tha thiết, quấn quýt như nhạc điệu xoang…Những người già yêu nhất bài chuyện cổ tâm sự, nhuốm màu hoài niệm…(k’tha yau). Nam thanh niên thích điệu nhanh, mạnh mẽ, tự hào kiêu hãnh nam nhi. Vậy nên có bài thách thức nhau tài năng thổi l’kel (con gà tức tiếng gáy ấy mà). Ma Tham thủ hai vai lần lượt thổi đối đáp, đốp chát…«Có hết, nó nói trong này này », chị chỉ vào cái l’kel k’doh.
 
Màu âm chủ đạo của l’kel k’doh trầm, sâu lắng. Người thổi hay l’kel phân biệt ở chỗ có đủ điệu thức hay không. Ma Tham học thổi từ 14 tuổi. Các già vào buôn thổi, hỏi điệu này, điệu kia, nghe và để trong cái đầu rồi bắt chước. Hai năm sau thành thục. Các bài có sẵn nhưng không văn tự, chỉ truyền khẩu, ai có năng khiếu cảm thụ thì lưu. « Bây giờ mất người già đó, họ không còn nữa, mình tổng hợp lại thổi được thành hay nhất. Bên K’ranchơ, K’răngo có cái điệu nó thổi khác, nhưng mà chưa hỏi, nó thổi kiểu này này, mà chưa biết, đang tập thôi, này… » - tiếng l’kel ngân lên, lung linh… « Đó, nó cứ thổi từ sáng đến chiều với cái ching a. Ching với câu này là hợp nhất : pinh pịch pinh pình…từng tưng tực tưng từng….Đấy ». Diễn giải và thổi, Ma Tham say sưa.

Tôi từng được nghe nhiều già làng nổi tiếng ở đất nam Tây Nguyên thổi l’kel, m’buốt. YaBa Đơn Dương, K’Lú Đạ Teh, K’Chum Lâm Hà, K’Rem Di Linh, K’Lộc Cát Tiên, K’Nia Đà Lạt… Nhưng Ma Tham là của hiếm. Ma Tham nói : « Toàn người già mà là con trai thổi à. Không thấy mấy người bằng tuổi tôi thổi đâu. Mai mốt nếu mà có người chết đi chắc không có người ru, mình chết cũng không có ai ru mình đi đâu… ».       

Vĩ thanh
Ở Tây Nguyên, không gian văn hóa cồng ching là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Nhưng không gian thiêng ấy, cồng ching là một bè của hợp âm uyên bác, trong đó còn là không khí của trống (sơgơn), tiếng nói của l’kel hay m’buốt... L’kel giữ nhịp, tâm sự dọc chiều nghi lễ. Bản hòa tấu không lời mà đa tầng ngữ nghĩa.
                            Không gian văn hóa của l'kel k'doh người Chu Ru buôn Ma Đanh tồn tại

Chưa có chuyên luận nào nghiên cứu về l’kel k’doh. Nhưng nó (l’kel k’doh) đã tồn tại hàng trăm năm trong đời sống foklore của các tộc người Tây Nguyên. Tồn tại như là một chủ thể thẩm mỹ đặc sắc. « Ngoài cồng ching, khèn bầu giúp thỏa mãn nhu cầu âm nhạc của con người » (GS, TS Tô Ngọc Thanh). Vận vào cha con Ha Sen và Ma Tham, càng rõ. Nghệ thuật đích thực.

Rời buôn về phố. Gió ngàn hú. Giai điệu l’kel k’doh dư ba. Biết ơn Ha Sen, biết ơn Ma Tham, người tự nguyện giữ gìn, trân quý lời vọng ngàn xưa một cách thầm lặng bên ngọn núi R’Deh, chưa một lần xuất hiện trên mặt báo. Đà Lạt sương khói dâng đầy. Vẳng xa lời nói Ma Tham: “Có hết, nó nói trong này này »…q   
                                                                                    Bút ký: MINH ĐẠO
                                                                                    Đà Lạt, đầu năm 2012









            (Đăng Báo Xuân Lâm Đồng 2012


Leave a Reply

Bình luận của bạn xin viết đúng chính tả và có dấu, cảm ơn bạn.