Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Bài 1: Chất thải rắn, mối nguy hại lớn

0 nhận xét
Trả lời báo Lamdongonline, TS Lê Văn Lữ - Giảng viên trường Đại học Bách khoa TP HCM thốt lên rằng: “Hiện nay, rác thải công nghiệp nguy hại Việt Nam một năm thải ra khoảng 1 triệu tấn, trong lúc năng lực xử lý của các nhà máy, các công ty mới được 1/10 (100 ngàn tấn). Câu hỏi đặt ra là, liệu 900 ngàn tấn đó đi đâu, hay là chúng ta lại chôn lấp như rác sinh hoạt ? Rác công nghiệp nguy hại mà chôn lấp đương nhiên là gây ô nhiễm môi trường nước và đất”.

Lâm Đồng sử dụng 3 ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật/năm

“Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010” cho biết, trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 19,6 ngàn tấn vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón thải ra môi trường. Lượng phân bón dùng trong nông nghiệp tăng 517% trong vòng 25 năm qua nhưng có tới 2/3 số lượng phân đã bón không được cây trồng hấp thụ. Riêng năm 2010, khoảng 60-65% lượng phân đạm (tương đương 1,77 triệu tấn), 55 - 60% lượng lân (2,07 triệu tấn) và 55 - 60% kali (344 ngàn tấn) được bón vào đất nhưng cây trồng không hấp thụ. Hệ lụy là tác động tiêu cực đến nông nghiệp và có thể gây đột biến gen đối với một số loại cây trồng.

Tỉnh Lâm Đồng có diện tích hơn 895 ngàn ha đất nông nghiệp, chiếm hơn 91,61% tổng diện tích. Năm 2011, tổng diện tích gieo trồng gần 314 ngàn ha, trong đó cà phê gần 143 ngàn ha, rau 44 ngàn ha, lúa hơn 34 ngàn ha, chè gần 24 ngàn ha, điều 15,5 ngàn ha, cao su gần 5 ngàn ha và dâu tằm 4 ngàn ha…“Báo cáo hiện trạng môi trường năm 2010” của tỉnh Lâm Đồng cho biết, hàng năm lượng thuốc BVTV lưu thông và sử dụng khoảng 2,8 ngàn - 3 ngàn tấn/năm. Toàn tỉnh có hơn 70 công ty, đơn vị cung cấp hơn 1 ngàn loại thuốc BVTV cho gần 800 quầy kinh doanh trên địa bàn. Việc sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV tràn lan trong nông nghiệp là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm nguồn nước và đất.

Chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh trong năm 2010 khoảng 30 ngàn tấn/ngày đêm. Bao gồm chất thải sinh hoạt, chất thải y tế, chất thải từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ và chất thải công nghiệp, trong đó sản xuất công nghiệp chiếm 71%.
Hiện Lâm Đồng có khoảng 60 sông, suối chiều dài trên 10 km. Trong đó suối Cam Ly (diện tích lưu vực 215 km2) bị ô nhiễm nguồn nước mặt nặng nhất do hoạt động nông nghiệp và sinh hoạt đô thị. Kết quả quan trắc năm 2009 vào thời điểm giao mùa khô-mưa: 7/14 mẫu có SS (chất rắn lơ lửng) vượt chuẩn từ 1,25-52 lần; 12/14 mẫu có hàm lượng COD (nhu cầu ôxy hóa học) vượt chuẩn từ 1,1-3,7 lần và 13/14 mẫu có BOD5 (nhu cầu ôxy sinh học) vượt từ 1,06- 6,4 lần. Đối với hồ, “chất lượng nước ở cả 3 hồ cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Lạt và vùng lân cận: hồ Đankia, hồ Tuyền Lâm và hồ Chiến Thắng gần như đã bị ô nhiễm bởi hầu hết các thông số cơ bản sử dụng để đánh giá chất lượng nước” (Báo cáo hiện trạng đã dẫn).

Riêng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh trong năm 2010 khoảng 30 ngàn tấn/ngày đêm. Bao gồm chất thải sinh hoạt, chất thải y tế, chất thải từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ và chất thải công nghiệp, trong đó sản xuất công nghiệp chiếm 71%.

Rác thải y tế toàn tỉnh có tới 209,3 tấn/năm (số liệu năm 2009). Hiện ở Đà Lạt thu gom từ các bệnh viện và cơ sở y tế về xử lý, mới chỉ đáp ứng quy chuẩn bước đầu. Sự lo ngại càng lớn hơn, cả 10 huyện rác y tế tự hủy thủ công, khó có thể kiểm soát được. Hộ lý Hường của Trung tâm y tế Đạ Tẻh cho biết: Trước đây đốt nhưng khói nhiều, dân kêu quá, bây giờ đành đào hố chôn lấp trong khuôn viên Trung tâm, còn rác sinh hoạt thì đưa ra ngoài vì nhiều quá.

Tại TT Y tế huyện Đạ Tẻh, chất thải nguy hại chôn lấp một cách sơ sài (ảnh chụp chiều ngày 10-8-2011).
Tại TT Y tế huyện Đạ Tẻh, chất thải nguy hại chôn lấp một cách sơ sài (ảnh chụp chiều ngày 10-8-2011).
Việc thu gom và xử lý chất thải rắn theo phương thức chôn lấp hợp vệ sinh chỉ mới thực hiện được ở TP Bảo Lộc và một phần ở huyện Đức Trọng. Xử lý chất thải rắn, nước thải tiềm ẩn nguy cơ lớn về môi trường. Thực trạng đang diễn ra hầu hết các địa phương trong tỉnh khi chưa có bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị toàn tỉnh chỉ mới đạt được 70%. Vấn đề tái chế và tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp chưa được chú trọng. Việc phân loại rác tại nguồn gần như không thực hiện đúng quy định.

Chuyên gia người Đức, ông Holger Holst - Giám đốc dự án, tập đoàn Birkhahn+ Nolt cho biết: Ở Việt Nam, người dân không phân loại rác thải trước khi bỏ vào thùng còn ở châu Âu được phân loại từ đầu nguồn, người dân ý thức không đưa rác nguy hại lẫn vào rác nói chung, chỉ khoảng 5% chưa có ý thức này. Nhưng khi thiết kế bãi rác thải, người ta vẫn tính đến phương án để xử lý 5% này.

Theo bà Nguyễn Thị Anh Hoa -Chi cục phó Chi cục Quản lý Môi trường (Sở Tài nguyên môi trường Lâm Đồng), tất cả các huyện, thành đều có chỗ chôn lấp rác, Bảo Lộc khả dĩ hơn một tý, “còn Đà Lạt thì bị phạt nhiều lần rồi vì ô nhiễm, phạt thì vẫn chịu phạt, vì một tỉnh nghèo, biết rồi, nhưng chưa thể khắc phục hơn được”.

Bãi rác Đà Lạt điệp khúc ô nhiễm nặng

TP Đà Lạt chịu áp lực từ chất thải lớn nhất tỉnh và ngày càng gia tăng mức độ nguy hại. Bình quân năm như sau: 2008 có 36,5 ngàn tấn, 2009 gần 43,3 ngàn tấn, 2010 gần 46,4 ngàn tấn và năm 2011 khoảng 48 ngàn tấn. Hiện, bình quân mỗi ngày Đà Lạt phát thải rác thải sinh hoạt 131 tấn, tăng từ 7-8% lượng rác sinh hoạt/năm. Trong đó, chất hữu cơ (rau, quả, lá cây, thức ăn thừa, xác động vật) chiếm tỷ lệ 73,4%; còn lại là các loại giấy, nhựa, nilon, cao su, vải, gỗ, thủy tinh, kim loại, sành sứ…

"Chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc xử lý, bãi rác đang gây ô nhiễm rất lớn, đang quá tải, hiện nước từ bãi rác hàng ngày chảy rỉ ra” - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ đô thị thành phố Đà Lạt
Rác ở Đà Lạt được tập kết từ 150 tuyến đường và 4 xã ven thành phố, tỷ lệ thu gom 80%. Với nguồn ngân sách hạn hẹp, địa bàn thu gom rộng, giao thông không thuận lợi, những cố gắng của Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ đô thị TP Đà Lạt đáp ứng được cơ bản để có một thành phố du lịch sạch, đẹp.

Tuy nhiên, bãi chôn lấp rác ở Đà Lạt ngày càng tái ô nhiễm nặng. Bãi rác sử dụng từ năm 1976, hết chỗ chứa, rác chồng lên rác. Diện tích gần 120 ngàn m2, chỉ có 2,5 ngàn m2 là địa hình tương đối bằng phẳng, còn lại độ dốc lớn (hơn 45 độ). Địa hình không thuận lợi để đào hố chôn lấp. 100% rác thải đều xử lý đơn giản bằng cách chôn lấp hở (rải vôi, phun chế phẩm khử mùi và san ủi xuống thung lũng) (!).

Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ đô thị thành phố Đà Lạt Phạm Văn Tuyên thừa nhận: “Khu vực bãi rác đã sử dụng trong một thời gian dài nên phần diện tích đất có thể chôn lấp hiện nay không còn, vì vậy rác chủ yếu được san ủi xuống vực thấp và phủ đất lên một phần rác. Chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc xử lý, bãi rác đang gây ô nhiễm rất lớn, đang quá tải, hiện nước từ bãi rác hàng ngày chảy rỉ ra”.

Bãi rác Đà Lạt, rác được đẩy xuống vực và chôn lấp hở gây ô nhiễm nặng.
Bãi rác Đà Lạt, rác được đẩy xuống vực và chôn lấp hở gây ô nhiễm nặng.
Đoàn chuyên gia Đức và các nhà khoa học, nhà quản lý nhiều tỉnh, thành thực mục sở thị bãi rác Đà Lạt. Tất cả đều rất ái ngại về ô nhiễm môi trường không khí và nguồn nước. Ở đây, không thể nói khác, ruồi nhặng kín dày và mùi thối đặc sánh không gian triền thông.

Ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí…ảnh hưởng nền kinh tế và sức khỏe con người không nhỏ. Chỉ lấy một ví dụ ô nhiễm không khí kéo theo tổn thất về kinh tế do tác động đến sức khỏe con người. Dựa theo điều tra của Cục bảo vệ môi trường năm 2007, có thể suy ra tỉnh Lâm Đồng mỗi năm thiệt hại khoảng 350,85 tỷ đồng (tương ứng 0,96 tỷ đồng/ngày).

Minh Đạo

Leave a Reply

Bình luận của bạn xin viết đúng chính tả và có dấu, cảm ơn bạn.