Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Ấm áp Tết Trường Sa

1 nhận xét

Cập nhật lúc 13:23, Thứ Hai, 23/01/2012 (GMT+7)
(LĐ online) - Thời khắc trời và biển giao hoan, chúng tôi thông tin cho nhau. Ở Trường Sa, tất cả các bàn thờ Tổ quốc tươi tắn và nồng ấm hương thơm ngày Tết…

23 giờ 20 phút. Chỉ còn mấy phút nữa là đến giao thừa. Tôi gọi điện cho thượng tá, đảo trưởng kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Lớn Đinh Văn Hải. giọng anh hồ hởi, náo nức không khí Tết: “Ở ngoài này tổ chức Tết vui vẻ lắm, năm nay quân dân các lực lượng trên đảo đón Tết khí thế. Hôm qua, (ngày 28 tết) tổ chức thịt heo, gói bánh chưng, nấu bánh chưng ở các đầu mối đơn vị. Trưa nay, tổ chức tất niên, thi chấm cỗ, thi trang trí. Lúc nãy thì tổ chức hái hoa dân chủ, thi báo tường, báo ảnh về chủ đề Trường Sa. Đến giờ phút này, Đảng ủy và chỉ huy đảo đang đi chúc Tết anh em đang làm nhiệm vụ ở các điểm tiền tiêu giờ khắc giao thừa. Bây giờ các đơn vị đầu mối chờ đón lời chúc tết của Chủ tịch nước”…
 
Cùng nhau trang trí bàn thờ Tổ quốc.
Cùng nhau trang trí bàn thờ Tổ quốc.
Còn trung úy kỹ thuật Nguyễn Văn Thanh cũng ở Trường Sa Lớn cho biết đang đi gác. Đúng 24 giờ, khi chuyển giao năm cũ năm mới thì anh và đồng đội cũng đổi phiên trực. Thanh nói, mọi người rất vui vì đảo tổ chức Tết đầy đủ và đàng hoàng. Sáng ngày mai, đảo tổ chức chào cờ đầu năm mới, sau đó tổ chức trò chơi giao lưu giữa các đơn vị, quân và dân trên đảo như kéo co, ném vòng cổ vịt, thi hát karaoke…

Trước khi kết thúc năm cũ, tôi gọi điện cho thiếu tá Trương Văn Núi, đảo trưởng Đá Lát nhưng không được, sóng điện vẫn lúc có lúc không. Năm mới đi qua 20 phút, Núi gọi lại cho tôi. Anh vui vẻ cho biết: Sáng qua, đảo làm thịt heo, gói giò mỡ có đầy đủ thịt bằm, nấm mộc nhĩ…, làm nhiều món. Lo nhất là con heo, năm nay heo mà chết là không có không khí Tết. Anh em rất khéo tay, bàn thờ trang trí hoa, vỏ sò, câu đối… Làm tất niên trưa nay, đêm qua gói bánh chưng. Anh em rất phấn khởi đón Tết vui tươi. Những anh em mới ra lần đầu được động viên, khích lệ hòa đồng.
 
Bánh chưng Trường Sa được gói bằng lá dong và lá chuối, lá bàng vuông.
Bánh chưng Trường Sa được gói bằng lá dong và lá chuối, lá bàng vuông.
Ở đảo Thuyền Chài, điểm trưởng B, thượng úy Nguyễn Văn Ngọc trực chỉ huy. Anh nói ngay: “Chú thấy đấy, anh em đang hát karaoke vui lắm. Hát chờ Chủ tịch nước chúc Tết”. Cách đây gần 1 tuần, biết được trung úy chuyên nghiệp Lê Ngọc Công quê ở Thanh Hải, Thanh Hà, Hải Dương có bố mất vì tuổi già, tôi gọi điện chia buồn. Ngọc cho biết, Công đã được anh em san sẻ nên nỗi buồn phần nào đã vơi đi. Tình đồng chí, tình đồng đội luôn quyện hòa trong mỗi ngày sống bên nhau.
Tết ở Trường Sa, ngoài Trường Sa Lớn có mâm quả thờ đủ “ngũ thật”, còn lại các đảo chìm chỉ là những quả tượng trưng. Nhưng cũng chỉ có dừa từ đất liền mang ra, 4 thứ quả khác có từ đảo: chuối, đu đủ, bàng vuông và tra. Cái được năm nay là đảo nào cũng có heo làm thịt, tổ chức tất niên rôm rả. Bánh chưng cũng được gói bằng lá dong. Để lá sử dụng được, ngay ngày tàu mang ra, các anh rửa sạch rồi luộc lên, chôn xuống cát; không có cát thì ép chặt, xếp xuống sàn nhà. Ở Trường Sa Lớn còn có lá gói phụ khác như lá chuối, lá bàng vuông…

Vậy là những chuyến tàu ra đảo ngày cận Tết đã thực sự có ý nghĩa. Hôm đi, đại tá Nguyễn Đức Vượng-Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân không dấu niềm vui, khoe rằng: Hàng tết được mua tại nơi có uy tín về sản phẩm như nếp Nam Định, cà phê Buôn Mê Thuột, tỏi Lý Sơn, rau Đà Lạt…Tất cả đều được bảo quản tốt để sử dụng lâu dài.

Trung tá Nguyễn Hữu Minh-Trưởng Ban Tuyên huấn Vùng đưa cho tôi một thông báo và nói: “Anh xem cái này, đây là chính sách, chế độ Tết năm nay đối với anh em Trường Sa”. Bao gồm 3 tiêu chuẩn. Tiền mặt, từ gần 900.000 đồng đến hơn 1 triệu 350 ngàn đồng mỗi bộ đội; các hộ dân thêm 700.000 đồng/hộ. Hiện vật, mỗi người được cấp 256.000 đồng, bao gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong, miến dong, măng khô, hành, tỏi, bánh, kẹo, hạt dưa, bia, nước ngọt, cà phê… Mỗi đảo còn được cấp vật chất phục vụ đời sống tinh thần với hơn 13,3 triệu đồng. Bao gồm các vật trang trí, hương, đèn lồng, lọ hoa, hoa mai nhựa, bóng bàn, tú lơ khơ…
 
Mang cành mai từ đất liền lên đảo để làm hoa đón Xuân mới.
Mang cành mai từ đất liền lên đảo để làm hoa đón Xuân mới.
6 giờ 30 sáng mùng 1, tôi quyết định gọi lại chúc năm mới trung úy chuyên nghiệp Hoàng Việt Vinh ở đảo An Bang, tối giao thừa không gọi được. Ngày đầu năm cũng như 364 ngày khác, bộ đội đảo luôn giữ kỷ cương nề nếp: 5 giờ 30 báo thức tập thể dục, 6 giờ giờ ăn sáng… Là người Hà Nội, có gần 20 năm lính nhưng Vinh đa cảm, mau nước mắt. Anh cố tình cho tôi nghe một lúc lời bài hát rất đỗi thân thương kia: “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/ Từ mảnh đất quê ta giữa đại dươ¬ng mang tình thươ¬ng quê nhà…”. Bài hát “Nơi đảo xa” này lưu ở rất nhiều điện thoại của người lính Trường Sa.

“Rời” các đảo ở Trường Sa, chúng tôi chúc nhau năm mới có nhiều điều hạnh phúc. Thượng tá Đinh Văn Hải chúc: “Thay mặt cho cán bộ và nhân dân trên thị trấn đảo Trường Sa, chúc đất liền, đồng bào và chiến sĩ cả nước năm mới an khang, thịnh vượng và nhiều thắng lợi mới !”.

Nơi tôi đang ở là thị trấn Đạ Tẻh, một vùng xa của tỉnh Lâm Đồng. Giao thừa, sang canh, tiếng tụng kinh của “Khánh Vĩnh tự” phiêu linh giữa thinh không. Đám thanh niên túm tụm râm ran dưới ánh đèn vàng lấp lánh nơi chân cầu. Đấy là những giá trị đích thực và thiêng liêng của bình yên và hạnh phúc. Giá trị ấy có  dáng đứng trung kiên tận ngoài khơi xa- chiến sĩ Trường Sa…
Hoa bàng quả vuông là nét đẹp ngày Xuân của đảo.
Hoa bàng quả vuông là nét đẹp ngày Xuân của đảo.

Cành mai vàng làm từ cây phong ba trên đảo.
Cành mai vàng làm từ cây phong ba trên đảo.

Bút ký: MINH ĐẠO  
Đọc tiếp... →

Nhật ký Trường Sa: Tết vẫn vẹn toàn nơi đảo xa

0 nhận xét
Giữa 2 đầu của giao thừa Nhâm Thìn, chúng tôi gọi điện cho nhau. Tôi ở đất liền Cao nguyên Lâm Viên, các anh ở Trường Sa. Đầu “phôn” này cao hơn 1 ngàn 500 mét, đầu “phôn” kia 0 mét. Chúng tôi chia sẽ thật nhiều chuyện bờ, chuyện đảo năm mới. Thế là vui: ở đảo-tất cả đang cùng vui Xuân đón năm mới. Thế là yên -ở đảo tất cả sẵn sàng chiến đấu. Tôi xin gửi bạn đọc PS ảnh đón Tết Nhâm Thìn của các anh. 

Báo tường mừng Xuân mới
Cây mai vàng này lại một mùa Xuân ra hoa trên đảo
Mang mai vàng ra đảo nghênh Xuân
Hát cho nhau nghe đêm giao thừa
Làm giáng với bánh chưng lá bàng vuông.
Và sản vật biển tặng 
Vẫn có rau xanh cho Tết
Tết năm nay thịt heo có ở tất các đảo

Đọc tiếp... →
Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Nhật ký Trường Sa: Thông tin

1 nhận xét
Phó đảo trưởng, tham mưu trưởng chỉ đạo công tác
Điện thoại treo cửa sổ ''săn'' sóng
Nhớ lời mẹ dặn phải chắc tay súng giữ vững chủ quyền con nhé
Thêm mấy phút khi còn sóng thoại
Nhớ ai như nhớ người yêu
Tranh thủ ra boong tàu


Đọc tiếp... →

Nhật ký Trường Sa: Chia tay riêng

0 nhận xét













Cha con thật khó rời nhau
Những cuộc chia tay cảm xúc dâng trào. Những  cuộc chia tay nước mắt dâng đầy. Những cuộc chia tay nghèn nghẹn nỗi lòng....Ghìm nén tình riêng, tất cả vì TỔ QUỐC !   


Con buồn mẹ cũng chẳng vui


Em thay anh chăm con nhé
Ba ơi...
Im lặng là vàng
Đọc tiếp... →

Nhật ký Trường Sa: Chia tay chung

0 nhận xét

Những cuộc chia tay bịn rịn, những ánh mắt giao cảm thiêng liêng...Thầm hứa với nhau- quyết giữ lấy chủ quyền của ĐẤT NƯỚC. Nơi sóng gió thét gào, nơi hiểm nguy rình rập- họ (những người lính biên cương) đồng lòng, đồng chí một TÌNH YÊU TỔ QUỐC !



Chào đất liền, chúng tôi đi làm nhiệm vụ thiêng liêng
Cây bàng quả vuông trao tay là biểu tượng của sự truyền lửa 
Chia tay đồng đội còn mình ở lại giữa trùng khơi với bao lưu luyến
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tặng hoa cho trưởng đoàn tàu Trường Sa 22 trước khi ra đảo

Lưu hình bóng người thân để mang ra đảo cho đỡ nhớ
Đọc tiếp... →
Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Thảm hại Lily

3 nhận xét


Vườn lily ù đỏ này của chị Lan nở sớm
tụt giá xuống hơn 40% nhưng vẫn chưa bán được
“Thị trường hoa năm nay kinh khủng lắm, biến động không lường, sức mua giảm sút nghiêm trọng. Hoa nói chung và hoa Lily nói riêng thảm hại”. Đó là nhận định của Chủ tịch Hiệp Hoa Đà Lạt Trần Huy Đường vào chiều ngày 18/01 (25 tết).


Chín như thổi
Nguyên nhân thị trường hoa Lily rớt giá thê thảm một phần do bà con trồng tràn lan  (toàn Đà Lạt có khoảng 30 triệu cành), trong lúc sức tiêu thụ giảm mạnh. Mặt khác, năm nay thời tiết không thuận lợi, hoa nở sớm, người trông Lily chỉ hòa hoặc lỗ.

Giải thích yếu tố “cầu” quyết định, ông Đường cho biết thêm: hoa lan cũng giảm, năm ngoái một cành lan có giá cao nhất 1,5 triệu đồng, năm nay giá chỉ 1,2 triệu. Trong lúc giá layon năm ngoái 2 ngàn đồng/cành, năm nay 3 ngàn; cát tường 25 ngàn đồng/bó, nay là 35 ngàn đồng. “Do nhu cầu, các loại hoa này lên ngôi, còn ai cũng chăm bẵm vào Lily thì chết”, ông Đường nói.   

Chị Lan là chủ vườn Lily Lan Phúc có số lượng lớn nhất ở Đạ Sa, Lạc Dương, Lâm Đồng. Chị buồn bả, kêu: Tất cả đều đầu tư cao hơn năm ngoái, từ giống (12-14 ngàn đồng/củ) đến phân bón, công chăm sóc và thu hoạch…nhưng tết năm ngoái gần 200 ngàn đồng/bó năm nay chỉ hơn 100 ngàn đồng. Tại Vườn của chị, giá sỉ cho mối lớn, mỗi bó 5 cành, loại ù đỏ 3 tai 110.000 đ, 4 tai 120.000 đ; malong và ù vàng loại 4 tai 110.000 đ, 3 tai 100.000 đ, 2 tai 80.000 đ. Có loại ù đỏ 4-5 tai, nhưng phải cắt đi 1-2 tai đã nở, giá chỉ 45.000 đ/bó. “Năm ngoái thì hoa chín ép, đến mùng 1 còn chưa nở, hầu hết nở trước tết, chỉ « vô » (tết) được một ít. Năm nay Lily chín như thổi, cắt khùng luôn”, chị Lan cho biết.

Lily là loại cây ưa sáng, nhu cầu ánh sáng khoảng 60 - 85%; thích nghi khí hậu lạnh với nhiệt độ khoảng 17 - 25oC; độ ẩm từ 60-80%. Nhưng khí hậu Đà Lạt và vùng phụ cận những ngày qua thất thường. Là loại hoa “sang” trên thị trường, Lily đòi hỏi người trồng phải đầu tư rất nhiều vốn và công sức. Dịp Noel quá lạnh, vườn của chị Hường phải thắp đèn “thúc” hoa nở. Nhưng mấy ngày cận tết, ông trời lại “nổi nóng”, chị Lan huy động gần 20 người cùng “vắt chân lên cổ” đua với tốc độ nở khủng khiếp của hoa. Chỉ còn 3 ngày nữa là hết năm, Lily thì còn vô vàn trong vườn, ruột gan nhà nông ai cũng rối, cũng nóng.

Ban ngày vừa cắt vừa phân loại ngay trên băng
Anh Hà ở Trần Quang Khải, Đà Lạt- là chủ cơ sở cung cấp hoa Ngọc Hà, có nguồn hàng Lily lớn nhất ở Lâm Đồng. Mặc dù anh khẳng định “là người quyết định giá thị trường hoa Lily của bà con” nhưng phải thú nhận: Tình hình này nhiều nhà vườn lỗ nặng. Cách đây mấy ngày, tại TP. Hồ Chí Minh Lily không có giá, muốn mua giá bao nhiêu cũng được. Lily là hàng trôi nổi, nhà vườn chỉ có đứng nhìn vườn hoa nở đầy ra đó mà khóc. Đang ngồi trên xe ô tô vào nhà vườn, điện thoại réo anh Hà. “Dạ a lô, dạ a lô. Dạ, dạ. Dạ rồi, dạ rồi. Tý nữa em xuống bây giờ…”. Cúp máy, anh nói với tôi: “Bà này đang sống dở chết dở cái vườn bông. Đang kêu chú Hà xuống lấy đây”.  

84 triệu đồng và Lily…
Đến các vườn Lily mấy ngày này, nhất là từ 23-25 tết, ở các vườn lớn, hàng chục người làm công “sống chết” 24/24 giờ với Lily. Ai cũng hấp hả, dúi dụi với cắt, gói, vác, đóng hàng và chuyển lên xe. Dù mưa hay nắng, phải làm. Đêm thì treo đèn lần mò từng gốc Lily để cắt. Hàng Lily khi đóng gói vào bao nilon phải phân loại với nhiều tiêu chí: loại, màu sắc, số lượng tai (bông) rồi số lượng cành, chất lượng (hàng thường hay hàng chuẩn)… Một yêu cầu khắt khe là phải đúng loại “hàng 2”, “hàng 3”, “hàng 4”, “hàng 5” (cách gọi của nhà nông về số tai mỗi cành) chính xác mới giữ chân khách hàng được lâu dài. Nhưng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ giống đến chăm sóc và cả thời tiết nên hoa nở không bao giờ đồng đều theo băng. Nói như chị Lan: “Ai biết nó đẻ con chi ?”. Vì vậy khâu chọn cành theo tai là một trong những công đoạn mỏi mắt nhất. 13 giờ, người làm công dừng tay ăn trưa tại vườn, ai cũng lờ phờ sắc diện thiếu ngủ. Cô Tý, ở phường 3, Đà Lạt, nói: “Không có giờ nghỉ, làm hàng tết phải thức hết đêm luôn, thức suốt mấy ngày”.
Chị Lan (áo xanh) chủ Vườn Lan Phúc đóng hàng 

 “Không cắt sợ nó bung mất hết. Tui có mấy băng ù đỏ nở, thiệt hại 40-50% so với năm ngoái”, chị Lan nói. Khổ nỗi, cắt ra rồi ai sẽ đến mua ? Có mặt tại Vườn Lily Lan Phúc, tôi chứng kiến 2 vị khách đánh đường từ Đà Lạt vào hỏi chị giá cả. Chị Lan bảo: “Dưới sình còn mấy băng ù vàng đẹp lắm, các anh cứ xuống coi đi”. Hai mươi phút sau, 2 vị khách lên, không một lời trả giá, bỏ đi thẳng.

Cũng có khá nhiều người rao hàng trên mạng, marketing bài bản về các loại hoa Lily Đà Lạt. Nào dòng Oriental có Stagazer, Sorbonne, Yelloween, Valdermar, Ribera...; nào dòng LA -Hybride có Twister, Avenilo, Acapuco, Freya... Nhưng khách cũng chỉ “vô” rồi “ra”, chẳng mặn mà giao dịch.
 
Chiều ngày 25 âm lịch, anh Phan Văn Tài ở đường Nguyễn Du, Đà Lạt “chạy hàng” Lily nhỏ lẻ. Anh gọi điện nhờ tôi đặt 200 cành gửi cho người nhà bán tại Đăk Lắc. Tôi “phôn” ngay cho “chủ sị” Hà. Có hàng ngay: giá 120 ngàn/bó Lily ù đỏ, ù vàng; loại “hàng chuẩn”; “hàng 4”, “hàng 5”. Tài cảm ơn rối rít và hẹn gọi lại. Suốt buổi chiều, anh Hà chờ…, còn Tài thì “bặt vô âm tín” !? 
Khẩn trương bỏ hoa vào bao chống héo

Hoa Lily là cây hoa mang lại lợi nhuận lớn ở nhiều nước như Hà Lan, Nhật Bản…Ở Việt Nam, hoa Lily được trồng tại Đà Lạt từ thời Pháp thuộc nhưng rộ nhất bắt đầu từ năm 2003. Cũng có mùa, Lily trúng. Năm 2011, Lily góp phần nâng giá trị sản phẩm hoa trên một đơn vị diện tích bình quân đạt 80 triệu đồng/ha. Kế hoạch năm 2012 đạt 84 triệu đồng/ha. Nhưng, thị trường hoa Đà Lạt nói chung, Lily nói riêng đang “lênh đênh” theo biển giá. Liệu kế hoạch nêu ra có quá tầm khi kỹ thuật chưa nương theo được với thời tiết, định hướng chuyển đổi chưa dự báo được dòng chảy biến động của thị trường ? Rất cần những lời giải thiết thực giúp nông dân trồng hoa từ các nhà chuyên môn, nhà quản lý. Hỏi Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, ông Trần Huy Đường trả lời: “Giờ này lo cho hoa còn bụng dạ nào mà đề xuất”! 

                                        Phóng sự: MINH ĐẠO 
Đọc tiếp... →
Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Cha, con và l’kel

0 nhận xét

Mặt trời khuất núi R’Deh. Chiều buôn Ma Đanh (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) bảng lảng. Lung linh lá cà phê, ánh sáng hắt ra từ mái nhà sàn. Lũ trẻ chân đất tâng tâng hồn nhiên. Chuyện kể về ông Ha Sen, chị Ma Tham với chiếc l’kel k’doh (kèn bầu) thao thức…
                                                      Buôn Ma Đanh dưới chân núi R'Deh

 L’kel Ha Sen
Lơ Mu Ha Sen là người Cill K’ho, sinh ra tận Lán Tranh, bên kia 2 cổng trời. Năm một chín sáu chín, chàng Ha Sen được sơn nữ Chu Ru bắt làm chồng. Sáu mươi tư năm được bảo bọc những tinh túy fonklore nam Tây Nguyên nhưng Ha Sen không biết thổi hay cái l’kel. Chỉ sửa l’kel cho lũ làng, từ 27 năm trước. Năm hai nghìn lẻ một, ông “liều lĩnh” làm cái l’kel k’doh. Kinh nghiệm cho ông biết: ống nứa loại mỏng vỏ, quả bầu dày vỏ và nhỏ mới đủ hơi thổi, sáp của con ong muỗi (khang) mới dẻo chứ không phải con “luê” (những loại ong thường thấy).

Nứa bầu phơi khô. Ống ngắn lượng âm nhỏ, dài lượng âm lớn. Sáu ống dùi sáu lỗ, vừa cử ngón tay nắm bấm là được. Ha Sen nói: “Bốn ống trên là nốt đồ, rê, pha, mi, hai ống dưới là son, thiếu 2 nốt la và xi”. Quả bầu gác bếp cho da lên màu nâu đỏ và săn. Bầu khoét rỗng, phần cong đầu cuống dùng ngậm thổi, hông bầu trổ lỗ xâu lọt sáu ống. Mọi kích thước đều bằng kinh nghiệm giác quan. Xong hộp âm (quả bầu), đường âm (sáu cây nứa), sau cùng là làm sáu cái lưỡi gà bằng inox. Khó nhất là nó, quyết định âm sắc. Hai tuần xong một cái l’kel k’doh. Nhưng để đạt chuẩn phải tháo lắp chỉnh nhiều lần. Ma Tham nói: “Hồi đầu, ông làm được một cái, người già đến thổi thử. Chưa hay, chờ họ về đóng cửa một mình làm lại vì mắc cỡ”. Như chỉnh ching, làm sao màu âm có hồn vía. Thế mới thiêng.

Âu là định mệnh. Lũ làng xì xào tai nhau: Nó (Ha Sen) được Yang N’Đu (vị Thần tối cao) giao gìn giữ nghiệp làm l’kel k’doh cho plei (làng) đó. Nghiệp chướng mà. Mười năm, già Ha Sen trở thành nghệ nhân làm l’kel k’doh. Ông là báu vật hiếm hoi. Ha Sen tự hào: “Cái này không phải là m’buốt của K’ho, cũng kèn bầu sáu ống nhưng âm khác. Còn có loại chỉ một ống thôi, tôi cũng làm được, nhưng phải quả bầu nhỏ như nắm tay, ít lắm. Loại l’kel sáu ống này người ta thích hơn”.
                                            Ha Sen
  
L’kel của Ha Sen có thương hiệu. Nó theo ông có mặt ở trăm nhà. Từ người Raglai tỉnh Ninh Thuận đến người Churu, K’ho, Châu Mạ ở Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà… tỉnh Lâm Đồng. Buôn K’long Đức Trọng mua 13 cái l’kel của ông rồi. Người Lâm Hà mang l’kel của Ha Sen vượt sông K’rông Nô bán tận bên Đăc Nông. Ha Sen tự định giá, trước ba, bốn trăm ngàn đồng, nay tám trăm rưỡi. “Mà mình không đủ cho người ta mua đâu, vì không có sáp con khang. Làm khó lắm, không bán rẻ được”, Ha Sen giải thích. Giao dịch hàng l’kel k’doh diễn ra đặc biệt. Người mua l’kel của Ha Sen là để tìm đồng điệu. Đúng âm sắc, l’kel là bạn tri âm. Thả hồn mấy điệu, chuẩn, mua liền. Cùng vui hai cái bụng, chủ mời khách ở lại rượu gà tâm giao, đắm đuối với l’kel …

Hỏi sao không truyền nghề, Hà Sen nói: “Rồi, nó không tích cực làm, bày cho Ya Lang (con rể) học một tuần nhưng làm không có được. Ya Duy (học cao đẳng sư phạm âm nhạc) ở bên R’Lơm, Lâm Hà cũng đến học, mỗi lần trả hai, ba chục ngàn nhưng cũng chưa được. Cái này phải có năng khiếu, kiên trì, tích cực mới làm được. Mình không dấu nghề đâu, chết thì ai làm !?”.

L’kel Ma Tham
B’ju Ma Tham 38 tuổi, con gái đầu của Ha Sen. Lũ làng gọi cô là Mẹ Thỏa, theo tên con trai (Ya Thỏa). Ma Tham cùng chồng Ya Lang lên rừng bắt mối. Mối nấu với da trâu, cà đắng tôi từng được K’Brit ở Di Linh cho thưởng thức, hấp dẫn vô cùng.

Bắt mối bằng cách phả khói thuốc lá vào lỗ, ngạt, mối bay ra mắc vào tấm mùng. Chỉ là loại mối đen mới ăn được. « Hôm nay ít lắm, vì trời mưa nó không ra, có được nắm à », Ma Tham nói.

Chúng tôi chuyển sang điệu l’kel k’doh. Ma Tham nói : « Quên rồi, lâu không thổi quên rồi. Mà mình nói tiếng Kinh không rành ». Bạn tôi, thầy giáo Anh văn Hàn Thiên Ngự phiên dịch. Ma Tham kể : « Nhiều điệu lắm, mình biết 12 điệu, vui, buồn, tình cảm vợ chồng, tình cảm con cái đói bụng nữa, con mất mẹ mất cha … ».
                                                              Ma Tham

« Mà l’kel hay mình mới thổi ». Bấm, thổi cái l’kel của Ha Sen, Ma Tham kết luận: « L’kel này được ! Đấy là katha dam r’ra ». Phút chốc, l’kel cuốn hút Ma Tham. Chị say biểu diễn và diễn giải. Bài con sóc (pro) gửi gắm về thân phận người con không có mẹ cha, sống một thân như con sóc đơn độc giữa rừng sâu. Giai điệu chậm buồn, xa vắng, nao lòng... Bài vui là cúng thần đập nước (bơ mung) hay mừng lúa mới (ngay yang boong ko pa tay), cúng sau mùa gặt (p'lei đây ru). Tiết tấu nhanh, rộn ràng: chị em mình cứ vui lên, con trai con gái vui mừng với nhau, giao duyên (xơhalu tam t’ra) bên nhau… Bài ru con (a lú a ná), nhẹ nhàng, đung đưa đung đưa... Điệu l’kel tiễn đưa người mất buồn mà không lụy. An ủi người ở lại, dặt dìu tiễn người đi... «Trước khi đi chôn, mình thổi ru đưa tiễn, linh hồn ở lại bên mình (ơlúx’oan) », Ma Tham ngừng thổi, nói.

Bài lấy lửa (so r’vu rat kngan chil abui…), rất cổ (lấy lửa bằng cà vỏ cây vào nhau), l’kel thủ thỉ tâm tình: con đang đói rồi vợ ơi, chàng đang làm mỏi tay mới ra lửa… Bài tập trung, đoàn kết (tơrgum, tập trung x’ni) l’kel lại nói : Cùng nhau về bên chóe rượu cần, ai cũng ở nhà xa là chia rẽ, dù đất ở nơi xa nào cũng phải tập trung ở bên nhau, cùng sống với nhau... L’kel ngân, cuốn hút, du dương mời gọi…Bài chàng đi trước rước nàng đi sau (gădra nau lơhâu gadra nau h’dơi, tam nau haulo k’ra lui k’tu) tha thiết, quấn quýt như nhạc điệu xoang…Những người già yêu nhất bài chuyện cổ tâm sự, nhuốm màu hoài niệm…(k’tha yau). Nam thanh niên thích điệu nhanh, mạnh mẽ, tự hào kiêu hãnh nam nhi. Vậy nên có bài thách thức nhau tài năng thổi l’kel (con gà tức tiếng gáy ấy mà). Ma Tham thủ hai vai lần lượt thổi đối đáp, đốp chát…«Có hết, nó nói trong này này », chị chỉ vào cái l’kel k’doh.
 
Màu âm chủ đạo của l’kel k’doh trầm, sâu lắng. Người thổi hay l’kel phân biệt ở chỗ có đủ điệu thức hay không. Ma Tham học thổi từ 14 tuổi. Các già vào buôn thổi, hỏi điệu này, điệu kia, nghe và để trong cái đầu rồi bắt chước. Hai năm sau thành thục. Các bài có sẵn nhưng không văn tự, chỉ truyền khẩu, ai có năng khiếu cảm thụ thì lưu. « Bây giờ mất người già đó, họ không còn nữa, mình tổng hợp lại thổi được thành hay nhất. Bên K’ranchơ, K’răngo có cái điệu nó thổi khác, nhưng mà chưa hỏi, nó thổi kiểu này này, mà chưa biết, đang tập thôi, này… » - tiếng l’kel ngân lên, lung linh… « Đó, nó cứ thổi từ sáng đến chiều với cái ching a. Ching với câu này là hợp nhất : pinh pịch pinh pình…từng tưng tực tưng từng….Đấy ». Diễn giải và thổi, Ma Tham say sưa.

Tôi từng được nghe nhiều già làng nổi tiếng ở đất nam Tây Nguyên thổi l’kel, m’buốt. YaBa Đơn Dương, K’Lú Đạ Teh, K’Chum Lâm Hà, K’Rem Di Linh, K’Lộc Cát Tiên, K’Nia Đà Lạt… Nhưng Ma Tham là của hiếm. Ma Tham nói : « Toàn người già mà là con trai thổi à. Không thấy mấy người bằng tuổi tôi thổi đâu. Mai mốt nếu mà có người chết đi chắc không có người ru, mình chết cũng không có ai ru mình đi đâu… ».       

Vĩ thanh
Ở Tây Nguyên, không gian văn hóa cồng ching là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Nhưng không gian thiêng ấy, cồng ching là một bè của hợp âm uyên bác, trong đó còn là không khí của trống (sơgơn), tiếng nói của l’kel hay m’buốt... L’kel giữ nhịp, tâm sự dọc chiều nghi lễ. Bản hòa tấu không lời mà đa tầng ngữ nghĩa.
                            Không gian văn hóa của l'kel k'doh người Chu Ru buôn Ma Đanh tồn tại

Chưa có chuyên luận nào nghiên cứu về l’kel k’doh. Nhưng nó (l’kel k’doh) đã tồn tại hàng trăm năm trong đời sống foklore của các tộc người Tây Nguyên. Tồn tại như là một chủ thể thẩm mỹ đặc sắc. « Ngoài cồng ching, khèn bầu giúp thỏa mãn nhu cầu âm nhạc của con người » (GS, TS Tô Ngọc Thanh). Vận vào cha con Ha Sen và Ma Tham, càng rõ. Nghệ thuật đích thực.

Rời buôn về phố. Gió ngàn hú. Giai điệu l’kel k’doh dư ba. Biết ơn Ha Sen, biết ơn Ma Tham, người tự nguyện giữ gìn, trân quý lời vọng ngàn xưa một cách thầm lặng bên ngọn núi R’Deh, chưa một lần xuất hiện trên mặt báo. Đà Lạt sương khói dâng đầy. Vẳng xa lời nói Ma Tham: “Có hết, nó nói trong này này »…q   
                                                                                    Bút ký: MINH ĐẠO
                                                                                    Đà Lạt, đầu năm 2012









            (Đăng Báo Xuân Lâm Đồng 2012


Đọc tiếp... →
Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Thiên nga đã xuống hồ

0 nhận xét


Chiều 28 Tết, Đà Lạt nắng rót mật vàng và se lạnh của tiết Xuân. Náo nức, người người tưng bừng đi sắm Tết. Giữa lòng thành phố núi, một không gian thật an tĩnh, thanh thoát và lãng mạn. Đó là hồ Xuân Hương, khi nước điệp trùng con sóng, lấp lánh ánh chiều, thiên nga đã thung thăng trên mặt hồ…
Thiên nga thung thăng trước cầu.
Thiên nga thung thăng trước cầu.

Kể từ lúc khởi sinh, năm 1919, đây là lần hồ mất nước dài nhất, những 12 tháng. Bây giờ, con đường tạm vắt qua hồ đã không còn. Nó là gạch nối, là dấu lặng giữa đời hồ. Dưới hạ lưu của hồ, công trình “cầu ông Đạo” sau 75 năm, giờ mặt đập rộng gấp đôi, 15 mét 4 làn xe, hệ thống ánh sáng hiện đại.

Trong 58 thành phố ở Việt Nam, rất hiếm có hồ nằm giữa trung tâm thành phố như Đà Lạt. Nếu ngắm từ máy bay hay một đỉnh cao nào đó, tháp chuông Trường Cao đẳng sư phạm chẳng hạn, hồ Xuân Hương có hình trăng lưỡi liềm. Chiều không gian khác, hồ lại được xem là tấm gương trong, là viên ngọc xanh giữa lòng phố. Còn không gian tâm lý, hồ Xuân Hương là trái tim của thành phố. Hồ là đường nét, mảng khối, là sắc màu làm nên bức tranh Đà Lạt yêu kiều mà duyên dáng, thơ mộng mà siêu thoát. Hồ Xuân Hương còn là cái đỉnh hương thiêng khổng lồ, dâng khói sương lên cho phố núi chếnh choáng, nghiêng trôi…
Nhìn từ cầu Ông Đạo.
Nhìn từ cầu Ông Đạo.

“Khi chiều xuống bên hồ Xuân Hương/Anh thấy trên đồi thông sương mù/Đà Lạt như một bức tranh thơ/Bao sương khói quanh năm mơ hồ”
Nhạc phẩm “Đồi thông sương mù” của Nguyễn Trọng Khôi.
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu”
Thi phẩm “Đà Lạt trăng mờ” của Hàn Mạc Tử (1933).
“Bóng trăng lóng lánh mặt hồ im,
Thời khắc theo nhau lải rải chìm,
Đứng dựa non sao bờ suối ngọc
Hồn say dìu dịu mộng êm êm.
Một luồng sương bạc bỗng từ mô
Lẻn cuốn vầng trăng cuốn mặt hồ,
Cuốn cả non sao bờ suối ngọc:
Người lơ lững đứng giữa hư vô”.
(“Đà Lạt đêm sương”-1939, Quách Tấn).

Hồ Xuân Hương là đối tượng trữ tình của ngàn vạn ống kính quay phim, chụp ảnh và cọ vẽ của muôn người năm châu…
*
* *
Hồ Xuân Hương là chứng nhân 91 năm nay. Chiều tím đồi Cù, thông và núi LangBian ngụp bóng xuống hồ, vợ chồng nghèo buông lưới, lách cách gõ mạn thuyền trong ắp sương bảng lảng…Trong đêm sâu, những chú ngựa lững thững độc hành với vạt cỏ đầy sương, quẩn quanh gốc thông, gốc liễu…Hay tinh mơ, hồ như một cái chảo khổng lồ no đầy khói bạc, bóng lão ngư chung chao, mập mòm men bờ vớt trúm…Chiều đi chầm chậm xuống hồ, những già, trẻ thả câu, lắng lòng chiêm nghiệm…
Bên hồ bình yên.
Bên hồ bình yên.

Đêm, ánh đèn hắt xuống gương hồ, những bữa tiệc ánh sáng lung linh, hoan ca với vô số  cốc màu rực rỡ. Khi đất và trời giao hòa, những cặp tình nhân dặt dìu bên bờ hay đạp thuyền thiên nga thênh lênh trên hồ. Thảnh thơi nương bên nhau, trôi trong sương, lãng mạn, dịu ngọt đến không cùng…

Năm 2003, Vơlađiamia Gurin là chuyên gia dầu khí Vũng Tàu, đến Đà Lạt. Chúng tôi lên hai chiếc thuyền, đạp thung thăng trên Xuân Hương. Người đến từ xứ sở bạch dương thốt lên: “Thật là tuyệt! Tôi như đang sống với sông Vonga mùa đông của nước Nga”. Rồi Gurin cao hứng hát bài “Cô gái sông Vonga” bằng tiếng Nga: “Lướt êm êm đám mây mù tan dần/ Và rực nhuốm nắng khi hoàng hôn/ Lòng sông sâu đáy in làn mây hồng/ Thuyền ai đây lướt trong sương vàng / Nắng mênh mông trên Vonga trường giang / Thuyền ai đó lướt theo thời gian…”.
Thiên nga trên hồ là đề tài chụp ảnh của nhiều người.
Thiên nga trên hồ là đề tài chụp ảnh của nhiều người.

Hồ Xuân Hương lộng lẫy, mê hoặc, quyến rũ và diệu vợi…Phải thực tâm giữ lấy sự thanh tịnh cho hồ. Hồ thổi hồn vào phố…

Tùy bút Minh Đạo
Đọc tiếp... →

Đầu năm xuất hành vô buôn

0 nhận xét


Mồng Một Tết, theo Kinh Dịch, là ngày đẹp vì có Minh Đường, trực Kiến. Tôi xuất hành vô buôn Tố Lan, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, bởi đó là hướng đẹp, chính tây, có Diên niên nên khỏe mạnh. Chọn thêm giờ hoàng đạo, thìn, gần 9 giờ. Lần đầu tiên, thằng tôi quá “ngũ thập” này đầu năm xuất hành vô buôn. Tân Mão chắc chắn sẽ an  lành, hạnh phúc hơn nữa với Tố Lan, tôi tin thế.     

Niềm vui năm mới của lũ trẻ Tố Lan.
Niềm vui năm mới của lũ trẻ Tố Lan.
Theo đường nhựa uốn quanh triền núi vào, buôn (thôn) Tố Lan thuộc xã An Nhơn yên ả dưới vườn điều và xanh mướt keo lá tràm, trắng lóa hoa cà phê. Thôn có 63 hộ, 255 nhân khẩu, năm dân tộc anh em: Châu Mạ, Kinh, Nùng, Tày, Khơ Me, nhưng chủ yếu là người bản địa Châu Mạ, 55 hộ. Mấy chục năm trước, đất này là “đất dữ” dưới con mắt của cộng đồng vì nhiều người mắc bệnh phong (cùi), thứ bệnh liệt vào “tứ chứng nan y”. Buôn phải chịu cảnh thương tâm: người lở loét, cùi cụt chân tay, bị sống cách ly trong rừng…Không chỉ K’Miếu, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn lâu năm nhất của Tố Lan giới thiệu bây giờ, mà khắp vùng nam Tây Nguyên này ai chả biết cái buôn này phải chịu một biệt danh nghiệt ngã, hãi hùng: “buôn cùi”. Vợ chồng Ka Nghiệp, K’Đô hồi tưởng, năm 2003, ông K’Giò là người bệnh phong cuối cùng mất ở Tố Lan. Nhưng, người mới mắc bệnh phong tuyệt nhiên hết từ mấy chục năm trước rồi. Không phải từ ngày buôn hết “ó malai” theo nhận thức lạc hậu của người bản địa mà từ ngày ánh sáng y tế của Nhà nước về “xua đuổi”.

Những món đặc sắc truyền thống của người Mạ.
Những món đặc sắc truyền thống của người Mạ.
Không chỉ thế, giờ vô Tố Lan mới thấy hết những thành quả hết sức trân quý từ các dự án, chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của Nhà nước. Tố Lan định canh, định cư, thay da đổi thịt đến khó ngờ. Đây là điển hình về cuộc sống đi lên vượt bậc trong hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống với hơn 256 ngàn người DTTS, chiếm 21% ở tỉnh nam Tây Nguyên này.

Lũ trẻ tung tăng, rổn rảng giòn tan tiếng cười giữa nắng và gió. Chẳng áo quần mới, lấm lem nhưng vui ran. Ka Hiền lớp 5, Ka Xinh, Ka Xiển lớp 4, K’Chung lớp 2, ba nhỏ nữa mẫu giáo và tôi cùng vui đùa, bông lênh hồn nhiên. Gặp nhiều người Tố Lan sau đó nữa, K’Miếu, Ka Đô, Ka Nhíp, Ka Trọng, Ka Nghiệp…tôi phát hiện người Tố Lan dồi dào tố chất u-mua, hóm hỉnh mà phóng khoáng.

Ka Hiền và lũ trẻ dẫn tôi về nhà ba nó, bí thư chi bộ K’Miếu.

- “Niêm xá, bi s’năm pa, prah ndang” (Xin chào, chúc năm mới mạnh khỏe), tôi chào và sà xuống chiếu rượu đầu xuân.

Hai người đàn bà, Ka Triển vợ của K’Miếu và Ka Réo vợ của già làng K’Tròi say sưa bên chóe rượu cần ở góc nhà. Ka Miếu và K’Trọng, con của già làng lai rai rượu trắng giữa nhà. Bánh tét, sườn heo kho, bánh ngọt, hạt hướng dượng…, đặc biệt có ba món vô cùng lạ lẫm với người nào phố thị. Đó là đọt cây mây nướng lấy từ rừng xa, bóc ra trắng nõn, cá “rách” bắt và nướng giòn ngay từ thượng nguồn suối ĐạMí và một món thập cẩm đa vị đa sắc. Quả “play rcọ” lấy tận rừng Bảo Lộc, mang về phơi khô cùng giả nhỏ với muối, ớt cay, cá “canhhào”, đọt mây, kiệu, gừng. Món này vừa có đắng của mây, cay của gừng, ngọt của củ kiệu, trong đó chua của “play rcọ” là chủ đạo. K’Miếu khái quát: “Mình nói nhà báo hiểu không thì tùy, muốn ăn cái ngọt ra chợ, cái chua Bảo Lộc, cái đắng Tố Lan”.

Ka Triển quay lưng lại làm một ngụm đế rồi hào sảng kể một thôi, dài gần nửa quãng cắm đi rẫy. “Sáng nay mình nhắc con cho nó biết, hồi xưa khổ, giã lúa bằng tay, lấy nước đi xa, đựng bằng cái bầu; buổi sáng dậy sớm nấu cơm bỏ vào “xóc” mang lên rừng, đằng sau gùi củi, cắm cái búa, mang cái nước, đằng trước đeo con,…Bây giờ nước gần nhà mà mày không chịu rửa xoong, rửa ly; giờ muốn đẻ thì có trạm xá gần đó…Mấy con không biết làm ăn…”. Đứa con gái của chị đang lúi húi bên trong. Chị còn ra điệu bộ vái:

-“Sáng nay mình làm con gà là “Ơi Yàng”, làm nếp cũng “Ơi Yàng…!”. Mình ăn gì mình báo, “ơi Yàng”.

Yàng là thế lực có sức mạnh và thiêng liêng trong tín ngưỡng vạn vật hữu linh của đồng bào nhiều dân tộc bản địa Tây Nguyên. Ăn gì thành tâm mời Yàng nấy, Ngài sẽ phù hộ, giúp đỡ.

K’Trọng là sinh viên đầu tiên của buôn Tố Lan, 26 tuổi, đang học bác sỹ đa khoa năm 3 tại Hà Nội. Cậu tự hào được chứng kiến sự kiện Thăng Long - Hà Nội nghìn năm. Nhưng khiêm tốn, nhỏ nhẹ và nhiều suy tư: “Mình đi như thế không phải chỉ riêng mình, ở đây đồng bào còn nhiều cái khó khăn, bạn bè cùng lứa thì nó lấy vợ lấy chồng hết rồi…”. Con trai của già làng mà. Buôn mới chỉ có 2 thanh niên học xong lớp 12, ngoài K’Trọng, K’Hoàng xung phong đi bộ đội, ra Tết nhập ngũ.

Cảm ơn mọi người ở nhà K’Miếu, tôi tìm đến nhà trưởng thôn K’Đô. Dọc hai bên con đường nhựa, cờ đỏ sao vàng phấp phới trước mọi căn nhà mà theo K’Đô 100% đều xây tường nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nào cũng xúm xụm, rểnh rảng quanh mâm cơm ngày Tết. K’Đô 36 tuổi, mới nhậm chức 3 tháng. Anh thú thật chưa nắm được nhiều, nhưng mấy thông tin sau thì anh quả quyết. Đó là, nước sạch sinh hoạt về đến mọi nhà theo đường ống, còn 5 hộ chưa có tivi, nhiều hộ dùng kỹ thuật số; 95% hộ có xe máy; 11 em đang học THCS tại trường nội trú huyện. Tết Tân Mão có bảy hộ khó khăn, được Nhà nước hỗ trợ, 15 hộ con đông xã hỗ trợ kẹo bánh. Tối 30 Tết lãnh đạo xã vô chúc tết buôn. Buôn có một nhà “tình nghĩa” của Ka Phèn, còn hầu hết là nhà “tình thương”. Buôn có 2 bộ cồng chiêng, của chung một bộ và già làng K’Tròi một bộ…

 Ba mặt con, con đầu là K’Đức học lớp 7 trường nội trú. Vợ anh ngồi vệ cửa cùng vào chuyện. Xinh. Tôi chợt nhớ câu thơ bà Ka Réo đắc chí ngâm nga lúc nãy: “Đường Tố Lan hẹp/Gái Tố Lan vừa đẹp vừa thơm” và thơ của cậu K’Trọng tự cảm tác: “Tố Lan vừa đẹp vừa hiền/Bốn bên dốc suối, núi liền Nùng An”.

 -“Còn đẻ nữa không?”, tôi hỏi K’Đô.

- “Đẻ khi nào hết buồng thì thôi”.

Nghe ra thật khẳng khái nhưng kỳ thật là anh đang bông phèng với vợ.

- “Nói đùa vậy thôi, chứ đẻ nhiều thiếu thốn, còn lo ăn học, con người ta ăn học, con nhà mình không có sau này nó khổ”, anh nói.

Lần lượt mỗi người một cò rượu cần
Lần lượt mỗi người một cò rượu cần
Đang trò chuyện với vợ chồng K’Đô thì K’Nhíp là cháu ruột K’Đô làm rẫy tận buôn Tôn K’Long, xã Đạ Pal cách hơn 30 km cùng nhóm thanh niên du Xuân vào. Không khí sôi động hẳn. K’Brông, thôn 8, xã Mỹ Đức, học lớp 12 trường nội trú huyện; K’Sim và K’Bría buôn Tố Lan và Mai Thanh Thủy cán bộ lâm trường trực Tết chốt Tôn K’Long. Các bạn trẻ cho biết, ở đâu đêm qua thanh niên Châu Mạ cũng tổ chức đón giao thừa, vui gần thâu đêm. Nhảy và hát tân nhạc, nhưng K’Brông tự hào trả lời tôi: “Cháu biết múa điệu của đồng bào, biết đánh chiêng trong lễ đâm trâu”.

- Thế Đạ Pal, Mỹ Đức có nấu bánh chưng, bánh tét không các bạn ? tôi hỏi.

- Đạ Pal ai cũng có nấu bánh tét, bánh chưng, bánh ống cũng nhiều, nhà cháu nấu hơn 10 cây, K’Nhíp nói.

- Chỗ cháu cũng có cả bánh ống và bánh tét, K’Brông phụ họa.

Ngày xưa buôn chỉ làm bánh ống, bây giờ học được người Kinh, nhà nào cũng gói và nấu bánh tét, bánh chưng, đầy đủ nhân thịt, đậu…, K’Đô cho biết thêm.

Cũng nếp bỏ ống, nhưng không nướng như cơm lam của người Thái. Bánh lam, còn gọi là bánh ống, đặc sản lâu đời của bà con Châu Mạ. Nếp vào ống lô ô nhỏ, gọi là ống con (ting kòn), ống con nút lá chuối khô, bỏ vào ống lớn làm nồi, gọi là ống mẹ (ting me) rồi luộc. Tố Lan năm nay không có ống mẹ nên không làm được. Rất may K’Nhíp xách hai bánh ống về cho tôi mục sở thị.

K’Nhíp khui một chóe rượu cần đã ủ 60 ngày bưng ra giữa nhà. K’Đô cắm cần, thử, đưa tôi và yêu cầu: “Mỗi người một cò, uống không được chạm cò nhé”. Phải ba hơi không dứt cần tôi mới hoàn thành định mức quen thuộc của “lệ làng”.

- “Cả ngột” (ngon và ngọt), tôi “hà…” lên giữa vòng tròn rôm rả của đám thanh niên. Những hàng xóm của K’Đô cũng nói cười râm ran bên chóe rượu, nhà Ka Dạch, Ka Pút…

Mặt trời nấp núi từ lâu tôi mới dứt ra được khỏi không gian thân thương Tố Lan. Chếnh choáng rượu và tình người. Tiếng cười no ấm nghiêng nghiêng…

- “Ưn ngài, ngăchjơ Tố Lan !” (cảm ơn, chào tạm biệt Tố Lan nhé !).

Bút ký: Minh Đạo
Đọc tiếp... →

Cách cà phê nói

0 nhận xét


Ai đã sinh ra ở Tây Nguyên, ai đã ở lại Tây Nguyên, ai đã đến Tây Nguyên, có bao giờ lại có thể xóa khỏi trái tim mình một hình ảnh Tây Nguyên đầy gió núi và sương rừng khuya. Ai có thể quên đi âm thanh rộn rã, thổn thức vang bừng trong đêm tối hoang vu bí ẩn của tiếng cồng chiêng dân tộc… Tiếng cồng chiêng theo suốt cuộc đời con người Tây Nguyên, theo suốt cọng cây, ngọn cỏ, mảnh đất Tây Nguyên hình thành nên một bản sắc văn hóa hào hùng mà sâu lắng, thô mộc mà đầy tinh tế.

Đấy là lời giới thiệu của người dẫn chương trình, danh hài Đức Hải tại Đêm nghệ thuật “Cách cà phê  nói” tại thành phố Buôn Ma Thuột. Gió trời lồng lộng, ánh sáng chan hòa màu nâu đỏ, thanh âm rộn ràng, hùng vĩ…- không gian đậm màu sắc Tây Nguyên cuốn hút mọi người. Ca khúc “Vòng tay Đam San”, “Ngọn lửa Tây Nguyên” do nhóm BaZan ngân lên cùng vũ điệu càng khắc họa bản sắc một vùng văn hóa.

Và câu chuyện về cà phê được dẫn dắt trong dân ca, dân vũ; những trang phục, nghi thức; những giai điệu, tiết tấu…của từng mảng màu, đường nét văn hóa sắc tộc, cư dân bản địa vùng, miền.

Bắt đầu từ một thủa xa xưa, từ một vùng xa ngái. Đó là vùng đất hoang sơ xứ Ethiopia, châu Phi, có anh chàng Kaldi và đàn dê ngày đêm nô đùa trên những mỏm đá, những bụi cây thân thuộc. Đấy là cây cà phê, có thứ quả không chỉ lũ dê thỏa thích mà trở thành quà tặng quý giá của tạo hóa đến với con người sau này.

Rồi trải qua hàng thế kỷ, từ những người thổ dân của châu Phi, hạt cà phê lan dần trong cuộc sống con người. Đến thời trung cổ, những người buôn bán nô lệ đã mang những hạt cà phê về Ả Rập. Và thứ hạt kỳ diệu ấy trở thành niềm tự hào của người Ả Rập. Theo bước chân người, thứ nước quả ấy được xưng danh “cà phê”. Cà phê tới xứ sở thần thoại, của những truyền thuyết diệu huyền trong câu chuyện kể hằng đêm của nàng công chúa Sheherazade xinh đẹp. Cà phê dần dần trở thành thứ nước thần linh thật sự, chúng được dùng trong mọi nghi lễ tôn giáo. Cà phê vinh dự trở thành ngôn ngữ con người giao tiếp với tạo hoá. Và cà phê xâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ theo chân những thương nhân. Ở đây, cà phê trở  thành “thức uống của tình bạn và tình yêu”, “thức uống trí tuệ” trong nếp sống phong lưu “thuốc lá dư, cà phê hậu”.

Ở trời Âu, điệu van- xơ theo người châu Âu làm đắm say mê hoặc lòng người đi khắp thế giới, và cũng thế, hương vị cà phê lại theo chân họ mà về, làm nên một phong cách cà phê. Những Mocha Italia, Melior Pháp, cà phê Thổ Nhĩ Kỳ, Espresso Italia, cà phê luộc Na Uy …Rồi cà phê lại theo chân những con người khám phá miền đất mới châu Mỹ và nơi ấy được gieo giống ươm mầm để trở thành một thủ phủ cà phê thế giới hôm nay. Hương cà phê, vị cà phê len lỏi, thấm đẫm mỗi góc phố, mỗi con đường, mỗi nếp nhà và bạt ngàn hoa trắng trên cao nguyên xứ Braxin. Nơi đó, hương cà phê quyện hòa trong những điệu múa rực lửa tình yêu.

“Và cà phê đã đến Việt Nam, để rồi thăng hoa, để hình thành nên một nền văn hóa cà phê rất Việt Nam. Đó là cà phê mang hương vị nồng đậm, đắng, thơm nồng mùi đất của núi rừng Tây Nguyên, nồng nàn quyện sâu như lòng người Tây Nguyên…”, Đức Hải diễn tả. Đây là điểm nhấn của chương trình. Cà phê Việt thân thương và ấm cúng, nồng nàn và đắm say….Từ phin cà phê khổng lồ với đường kính lên tới 2m và cao 5m, đặt giữa trung tâm sân khấu, các thiếu nữ rót hàng trăm ly cà phê mời mọi người cùng thưởng thức. Và, tất cả nam thanh, nữ tú, già, trẻ…cùng hòa vào những điệu nhảy bên nhau. Sức cộng hưởng, sức lan tỏa chính từ hương vị cà phê Việt dấu yêu…

Niềm vui tưng bừng, hạnh phúc dâng trào, chan hòa và quyến rũ trong không gian sinh hoạt cộng đồng. Trong nối kết cà phê và trong âm vang khúc nhạc “Ly cà phê Buôn Mê” của cố NSND Y Moan và ca sỹ Y Garia…“Cách cà phê nói” là sự giao tiếp hồn hậu, là cách ứng xử ngây ngất…Sự trộn hòa những dòng chảy văn hóa của các dân tộc Kinh, Ê Đê, Ba Na, Gia Rai,…nước Việt cùng với các nước Braxin, Ethiopia, Indonesia, Pháp, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ… khi câu chuyện khép lại.

Ghi chép: Minh Đạo
Đọc tiếp... →