Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Nền kinh tế từ chất thải (bài 2)

0 nhận xét
- “Mất cân bằng sinh thái trong phát triển nông nghiệp thể hiện rõ nét ở tình trạng dịch bệnh phát sinh trên diện rộng do ô nhiễm môi trường nước ở các mô hình nuôi thâm canh, các dịch bệnh cho nhiều ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch bệnh lúa,… môi trường nước trên các sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai, sông La Ngà, sông Krông - nô, và các hồ (Xuân Hương, Chiến Thắng, Tuyền Lâm, Đankia,… trong tỉnh đã có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ và vi sinh, và đang có nguy cơ gia tăng gây ra những biến đổi trong cân bằng sinh thái”.

Chất thải là tài nguyên

Đó là một vấn đề rút ra từ đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm tác giả Trường Đại học Đà Lạt khảo sát các loại rau gồm khoai tây, cải thảo, bắp cải, súp lơ, hành tây, cà rốt, xà lách carol vừa công bố những kết quả hết sức ý nghĩa. Hệ số phát thải tại đồng ruộng dao động từ 7% tới 67% tùy loại nông sản, trong đó, hệ số phát thải của xà lách carol đạt cao nhất và của hành tây thấp nhất. Độ ẩm của phế thải nông nghiệp đều cao, dao động từ 68,65% (hành tây) đến 91,06% (cải thảo). Nhiệt trị dao động trong khoảng từ 3.180 kcal/kg (cải thảo) đến 3.805 kcal/kg (cà rốt).

Trong các loại phế thải khảo sát, phế thải súp lơ rất giàu nitơ (7,7% chất khô); phế thải cải thảo rất giàu phospho (0,81% chất khô) và phế thải khoai tây rất giàu kali (8,85% chất khô). Những nguyên tố này có thể tận dụng làm phân bón hữu hiệu thế nhưng theo Phó Giám đốc Phạm Văn Tuyên, trong số rác thải ở Đà Lạt có tới 70% là chất hữu cơ từ rau và hoa nhưng đang rất lãng phí vì chôn lấp.

Rác được chế biến thành phân vi sinh rất tốt
Rác được chế biến thành phân vi sinh rất tốt
Phó Giám đốc Công ty TNHH Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh Trần Đại Đồng, người đang xúc tiến dự án xử lý chất thải ở Đà Lạt cho rằng: “Sự phát triển ngành kinh tế chất thải là sự hình thành xã hội tuần hoàn - một xã hội mà trong đó tất cả các sản phẩm tiêu dùng, sản xuất, văn hóa…đều có vòng đời tuần hoàn an toàn, chất lượng, hiệu quả phục vụ cho đời sống xã hội”. Theo đó, nhiệm vụ và mục tiêu của ngành công nghiệp môi trường là góp sức tích cực giải quyết ô nhiễm môi trường, trong đó góp phần cải tạo một phần năng lượng, một phần sản phẩm tiêu dùng từ chất thải của hoạt động xã hội.

Nhưng ở Đà Lạt, phế thải sau thu hoạch nông nghiệp không chỉ lãng phí hầu hết mà còn gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất và tạo điều kiện mầm bệnh phát triển. Số liệu khảo sát 200 hộ nông dân cho thấy: gần 55% số hộ nông dân đổ phế thải lên bờ ruộng, 24% đổ xuống suối, 15% đốt thủ công và chỉ có 6% số hộ sử dụng làm phân bón. Chị Trần Thị Thủy, người làm công cho Doanh nghiệp tư nhân Nhật Long, đường Nguyên Tử Lực, phường 8 nói: “Thu hoạch xong còn đồ thừa thì bỏ hết, dọn vườn làm lại ngay chứ hơi đâu mà gom lại. Mùa mưa để tự nó khô rồi đốt, mùa mưa thì đổ xuống suối tự nó thối ra”.

“Thực trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sau thu hoạch là vấn đề cần quan tâm vì nó không những ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người mà còn hạn chế sự phát triển nền kinh tế, tăng giá thành sản xuất, giảm sức canh trạnh nông sản chế biến” (Báo cáo hiện trạng đã dẫn). Xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sau thu hoạch nói riêng là nhu cầu bức xúc của nền nông nghiệp bền vững.

Rác làm thắm sắc hoa anh đào

Chất thải sau xử lý được tái chế làm ra năng lượng, hàng hóa đồ dùng dân dụng và phân bón… Riêng rác thải sau thu hoạch ở Đà Lạt đã được Doanh nghiệp tư nhân Môi trường xanh tái chế làm phân vi sinh và giá thể. Đâu là một mô hình cần phát huy. Quy trình sản xuất của đơn vị này khá đơn giản: Từ rác thải là cải sú, cải thảo, củ cà rốt, cọc tre… xay nhỏ và ủ với vôi sau khoảng 1 tháng hoại ra thành phân vi sinh. Các loại nhựa, xốp thì đốt nóng và ép nén thành sản phẩm.

ra
Phân bón từ rác thải rất thích hợp với cây mai anh đào
Giám đốc Nguyễn Hòa nói: “Một trăm khối rau tươi xay ra chỉ còn khoảng 10 khối, nếu cứ đi đổ vừa hôi thối, vừa không có chỗ, phí lắm. Xốp, tôi xay ra bán cho mấy ông làm hoa lan. Nilon, các bao kẹo bánh… xay ra, ép lại thành bánh lót đường đi, làm vách nhà, chôn còn lâu mới phân hủy, còn đốt thì ô nhiễm nặng”.

Đầu vào nguyên liệu của đơn vị ông Hòa là rác thải ở hồ Xuân Hương và chợ rau Đà Lạt. Đầu mùa mưa, tháng cao điểm nhất khoảng hơn 140 m3 rác các loại về hồ Xuân Hương: rau, chai, bao bì đựng thuốc BVTV, tre, gỗ… Nhưng rau phế thải rất ít, chỉ là nước ô nhiễm sau khi rau bị phân hủy chảy về. Ông Phan Mậu Cải Thuận cán bộ Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi Đà Lạt (đang quản lý 24 hồ lớn nhỏ) khẳng định: “Hiện hồ Xuân Hương vẫn không giảm bồi lắng do đất và các loại rác trôi về. Đơn vị ông Hòa nhận làm sạch hồ Xuân Hương, trong đó chế phẩm phân vi sinh dùng để cải tạo đất hay bón cho cây cà phê, cây cảnh rất tốt”.

Một trong những địa chỉ dùng phân vi sinh của doanh nghiệp ông Hòa là ông Nhường - chủ cơ sở cây cảnh khá nổi tiếng ở đường Khe Sanh, phường 10, Đà Lạt. Ông Nhường nói: “Phân này tôi mua về ngoài việc bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây còn làm giá đỡ trong chậu tốt, vừa giữ ẩm lại vừa ráo nước”.

Giám đốc Nguyễn Hòa cho biết, Công ty phân bón Bình Điền đến lấy mẫu phân vi sinh của ông về phân tích và cho kết quả hàm lượng NPK rất cao. Công ty này đặt vấn đề mua tất cả sản phẩm rác đã xay chưa qua khâu ủ mang về nhà máy để chế biến lại theo đúng quy cách bán ra thị trường. Nhưng ông Hòa chưa thể cung cấp được, chủ yếu sử dụng vừa làm giá thể vừa làm phân ươm giống cây mai anh đào. Cũng có một doanh nhân từ Đà Nẵng vào giúp ông đầu tư để sản xuất phân vi sinh từ rác thải, nhưng mặt bằng tập kết rác đang là trở ngại. Để phát triển quy mô ngoài đầu tư thiết bị máy móc cần có bãi rộng ủ rác trong nhiều ngày.

Với cây mai anh đào, không cần bón thêm một thứ nào, sau hơn 2 tháng cây con có thể trồng được. Khoảng 1 năm, mai anh đào cao hơn 1 mét, giá 70 ngàn đồng/cây. Ông vừa bán cho một doanh nhân mới tậu biệt thự ở Đà Lạt một cây đường kính gốc 25 cm giá hơn 2 triệu đồng. Hiện ông đã ươm được khoảng 4-5 ngàn cây. TP Đà Lạt rực hồng sắc hoa anh đào làm ngẩn ngơ lòng người, có ai ngờ sắc hoa ấy bắt đầu từ rác thải…
Minh Đạo

Leave a Reply

Bình luận của bạn xin viết đúng chính tả và có dấu, cảm ơn bạn.