Vườn lily ù đỏ này của chị Lan nở sớm tụt giá xuống hơn 40% nhưng vẫn chưa bán được |
“Thị trường hoa năm nay kinh khủng lắm, biến động không lường, sức mua giảm sút nghiêm trọng. Hoa nói chung và hoa Lily nói riêng thảm hại”. Đó là nhận định của Chủ tịch Hiệp Hoa Đà Lạt Trần Huy Đường vào chiều ngày 18/01 (25 tết).
Chín như thổi
Nguyên nhân thị trường hoa Lily rớt giá thê thảm một phần do bà con trồng tràn lan (toàn Đà Lạt có khoảng 30 triệu cành), trong lúc sức tiêu thụ giảm mạnh. Mặt khác, năm nay thời tiết không thuận lợi, hoa nở sớm, người trông Lily chỉ hòa hoặc lỗ.
Giải thích yếu tố “cầu” quyết định, ông Đường cho biết thêm: hoa lan cũng giảm, năm ngoái một cành lan có giá cao nhất 1,5 triệu đồng, năm nay giá chỉ 1,2 triệu. Trong lúc giá layon năm ngoái 2 ngàn đồng/cành, năm nay 3 ngàn; cát tường 25 ngàn đồng/bó, nay là 35 ngàn đồng. “Do nhu cầu, các loại hoa này lên ngôi, còn ai cũng chăm bẵm vào Lily thì chết”, ông Đường nói.
Chị Lan là chủ vườn Lily Lan Phúc có số lượng lớn nhất ở Đạ Sa, Lạc Dương, Lâm Đồng. Chị buồn bả, kêu: Tất cả đều đầu tư cao hơn năm ngoái, từ giống (12-14 ngàn đồng/củ) đến phân bón, công chăm sóc và thu hoạch…nhưng tết năm ngoái gần 200 ngàn đồng/bó năm nay chỉ hơn 100 ngàn đồng. Tại Vườn của chị, giá sỉ cho mối lớn, mỗi bó 5 cành, loại ù đỏ 3 tai 110.000 đ, 4 tai 120.000 đ; malong và ù vàng loại 4 tai 110.000 đ, 3 tai 100.000 đ, 2 tai 80.000 đ. Có loại ù đỏ 4-5 tai, nhưng phải cắt đi 1-2 tai đã nở, giá chỉ 45.000 đ/bó. “Năm ngoái thì hoa chín ép, đến mùng 1 còn chưa nở, hầu hết nở trước tết, chỉ « vô » (tết) được một ít. Năm nay Lily chín như thổi, cắt khùng luôn”, chị Lan cho biết.
Lily là loại cây ưa sáng, nhu cầu ánh sáng khoảng 60 - 85%; thích nghi khí hậu lạnh với nhiệt độ khoảng 17 - 25oC; độ ẩm từ 60-80%. Nhưng khí hậu Đà Lạt và vùng phụ cận những ngày qua thất thường. Là loại hoa “sang” trên thị trường, Lily đòi hỏi người trồng phải đầu tư rất nhiều vốn và công sức. Dịp Noel quá lạnh, vườn của chị Hường phải thắp đèn “thúc” hoa nở. Nhưng mấy ngày cận tết, ông trời lại “nổi nóng”, chị Lan huy động gần 20 người cùng “vắt chân lên cổ” đua với tốc độ nở khủng khiếp của hoa. Chỉ còn 3 ngày nữa là hết năm, Lily thì còn vô vàn trong vườn, ruột gan nhà nông ai cũng rối, cũng nóng.
Ban ngày vừa cắt vừa phân loại ngay trên băng |
Anh Hà ở Trần Quang Khải, Đà Lạt- là chủ cơ sở cung cấp hoa Ngọc Hà, có nguồn hàng Lily lớn nhất ở Lâm Đồng. Mặc dù anh khẳng định “là người quyết định giá thị trường hoa Lily của bà con” nhưng phải thú nhận: Tình hình này nhiều nhà vườn lỗ nặng. Cách đây mấy ngày, tại TP. Hồ Chí Minh Lily không có giá, muốn mua giá bao nhiêu cũng được. Lily là hàng trôi nổi, nhà vườn chỉ có đứng nhìn vườn hoa nở đầy ra đó mà khóc. Đang ngồi trên xe ô tô vào nhà vườn, điện thoại réo anh Hà. “Dạ a lô, dạ a lô. Dạ, dạ. Dạ rồi, dạ rồi. Tý nữa em xuống bây giờ…”. Cúp máy, anh nói với tôi: “Bà này đang sống dở chết dở cái vườn bông. Đang kêu chú Hà xuống lấy đây”.
84 triệu đồng và Lily…
Đến các vườn Lily mấy ngày này, nhất là từ 23-25 tết, ở các vườn lớn, hàng chục người làm công “sống chết” 24/24 giờ với Lily. Ai cũng hấp hả, dúi dụi với cắt, gói, vác, đóng hàng và chuyển lên xe. Dù mưa hay nắng, phải làm. Đêm thì treo đèn lần mò từng gốc Lily để cắt. Hàng Lily khi đóng gói vào bao nilon phải phân loại với nhiều tiêu chí: loại, màu sắc, số lượng tai (bông) rồi số lượng cành, chất lượng (hàng thường hay hàng chuẩn)… Một yêu cầu khắt khe là phải đúng loại “hàng 2”, “hàng 3”, “hàng 4”, “hàng 5” (cách gọi của nhà nông về số tai mỗi cành) chính xác mới giữ chân khách hàng được lâu dài. Nhưng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ giống đến chăm sóc và cả thời tiết nên hoa nở không bao giờ đồng đều theo băng. Nói như chị Lan: “Ai biết nó đẻ con chi ?”. Vì vậy khâu chọn cành theo tai là một trong những công đoạn mỏi mắt nhất. 13 giờ, người làm công dừng tay ăn trưa tại vườn, ai cũng lờ phờ sắc diện thiếu ngủ. Cô Tý, ở phường 3, Đà Lạt, nói: “Không có giờ nghỉ, làm hàng tết phải thức hết đêm luôn, thức suốt mấy ngày”.
Chị Lan (áo xanh) chủ Vườn Lan Phúc đóng hàng |
“Không cắt sợ nó bung mất hết. Tui có mấy băng ù đỏ nở, thiệt hại 40-50% so với năm ngoái”, chị Lan nói. Khổ nỗi, cắt ra rồi ai sẽ đến mua ? Có mặt tại Vườn Lily Lan Phúc, tôi chứng kiến 2 vị khách đánh đường từ Đà Lạt vào hỏi chị giá cả. Chị Lan bảo: “Dưới sình còn mấy băng ù vàng đẹp lắm, các anh cứ xuống coi đi”. Hai mươi phút sau, 2 vị khách lên, không một lời trả giá, bỏ đi thẳng.
Cũng có khá nhiều người rao hàng trên mạng, marketing bài bản về các loại hoa Lily Đà Lạt. Nào dòng Oriental có Stagazer, Sorbonne, Yelloween, Valdermar, Ribera...; nào dòng LA -Hybride có Twister, Avenilo, Acapuco, Freya... Nhưng khách cũng chỉ “vô” rồi “ra”, chẳng mặn mà giao dịch.
Chiều ngày 25 âm lịch, anh Phan Văn Tài ở đường Nguyễn Du, Đà Lạt “chạy hàng” Lily nhỏ lẻ. Anh gọi điện nhờ tôi đặt 200 cành gửi cho người nhà bán tại Đăk Lắc. Tôi “phôn” ngay cho “chủ sị” Hà. Có hàng ngay: giá 120 ngàn/bó Lily ù đỏ, ù vàng; loại “hàng chuẩn”; “hàng 4”, “hàng 5”. Tài cảm ơn rối rít và hẹn gọi lại. Suốt buổi chiều, anh Hà chờ…, còn Tài thì “bặt vô âm tín” !?
Khẩn trương bỏ hoa vào bao chống héo |
Hoa Lily là cây hoa mang lại lợi nhuận lớn ở nhiều nước như Hà Lan, Nhật Bản…Ở Việt Nam, hoa Lily được trồng tại Đà Lạt từ thời Pháp thuộc nhưng rộ nhất bắt đầu từ năm 2003. Cũng có mùa, Lily trúng. Năm 2011, Lily góp phần nâng giá trị sản phẩm hoa trên một đơn vị diện tích bình quân đạt 80 triệu đồng/ha. Kế hoạch năm 2012 đạt 84 triệu đồng/ha. Nhưng, thị trường hoa Đà Lạt nói chung, Lily nói riêng đang “lênh đênh” theo biển giá. Liệu kế hoạch nêu ra có quá tầm khi kỹ thuật chưa nương theo được với thời tiết, định hướng chuyển đổi chưa dự báo được dòng chảy biến động của thị trường ? Rất cần những lời giải thiết thực giúp nông dân trồng hoa từ các nhà chuyên môn, nhà quản lý. Hỏi Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, ông Trần Huy Đường trả lời: “Giờ này lo cho hoa còn bụng dạ nào mà đề xuất”!
Phóng sự: MINH ĐẠO
Buồn ơi, buồn ơi !!!
Đà Lạt thật quá, Đà Lạt ơi!
Xứ hoa mà buồn thì còn nói được gì nữa. Chính quyền ơi ...ơi....!!!!
Hà Lan trồng hoa quanh năm suốt tháng, có cả thị trường chứng khoán về hoa
mà chẳng mấy khi thấy họ kêu lỗ. Phải chăng do ta kém trình độ kinh tế? Các anh chị hiện đại thời 3G chuyên ngành thời thượng "quản trị-kinh doanh", "kinh tế đối ngoại" đâu cả rồi?
Do ta kém từ quản lý đến kỹ thuật. Xưa nay, nông dân VN bị thả nổi tự bơi mà lị !