Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Hành tinh xanh - hành động của cộng đồng (bài 3)

0 nhận xét
- Dù đã có quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhưng vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường chưa được huy động đầy đủ. Đảm bảo an ninh môi trường để phát triển kinh tế - xã hội bền vững là mục tiêu của mọi người.

Vấn đề bảo vệ môi trường đã được Việt Nam cụ thể hóa bằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như luật, các nghị định, thông tư,... Nhiều nội dung bức thiết đã có hành lang pháp lý để thực hiện. Đó là: kiểm soát ô nhiễm; quản lý chất thải; đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC); đánh giá tác động môi trường (ĐTM); quản lý môi trường lưu vực sông; quản lý môi trường biển và hải đảo; đa dạng sinh học; quan trắc và thông tin môi trường; ưu đãi, hỗ trợ tài chính; phát triển công nghệ; xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường,…Dĩ nhiên vẫn tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản, song cả cộng đồng cùng triển khai thực hiện kiên quyết và đồng bộ mới là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

c
Lâm Đồng cần sớm hoàn chỉnh hệ thống quản lý chất thải rắn.
Đối với lĩnh vực quản lý và xử lý chất thải, mục tiêu là đảm bảo xử lý triệt để, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế chôn lấp, nâng cao hiệu quả công tác xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn nguy hại (chiếm 20% trong chất thải rắn). Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Mặt khác, cần tăng nguồn thu từ phí xử lý chất thải rắn (hiện mới đảm bảo khoảng 30% chi phí xử lý hàng năm). Doanh thu từ các sản phẩm tái chế (phân hữu cơ, sản xuất nhựa, gạch blok,…) còn khá thấp và không ổn định. Với Lâm Đồng, nguồn lợi kinh tế từ chất thải gần như bằng “không”.

Lâm Đồng cần sớm hoàn chỉnh hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, tập trung đầu tư về con người, trang thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý là những điều kiện tiên quyết. Theo đó, cùng việc xây dựng các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh tiến tới đầu tư công nghệ hiện đại xử lý chất thải. Phải quản lý chất thải rắn nguy hại nghiêm ngặt và có biện pháp đóng cửa các bãi rác gây ô nhiễm trên địa bàn. Các hoạt động kinh tế như công nghiệp, khai thác khoáng sản, du lịch, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản,… và xây dựng nông thôn mới đều cùng hướng đến một môi trường sạch.

Đối với chất thải trong hoạt động nông nghiệp, một mặt tuyên truyền người dân sử dụng hóa chất, thuốc BVTV đúng quy định, cần khuyến khích họ tái sử dụng chất thải sau thu hoạch hợp vệ sinh. Mặt khác cần có sự kiểm soát chặt chẽ trong lưu thông và sử dụng. Khảo sát hoạt động nông nghiệp ở Lâm Đồng, TS Lâm Ngọc Tuấn cho rằng: “Giá trị vật chất và năng lượng còn tồn lưu trong các loại phế thải nông nghiệp được nghiên cứu là rất lớn, cần tiến hành nghiên cứu các giải pháp thu gom và xử lý tận dụng các loại phế thải này để không lãng phí một nguồn tài nguyên có giá trị không nhỏ”.

Kết thúc bài viết này chúng tôi dẫn ý kiến của chuyên gia Holger Holst nhấn mạnh với PV LamDongonline rằng: “Điều đầu tiên tôi khuyến cáo chúng ta nên có những quy định, quy chế rõ ràng về ngành chất thải, rác thải từ Bộ và các ban ngành, sau đó mới có những chuyên ngành cụ thể. Ngành chất thải phát triển theo từng giai đoạn một, nó là cả một ngành kinh tế và điều ấy chắc chắn sẽ lặp lại ở các nước phát triển, đang phát triển ở Việt Nam như Philipin, Indonexia, Malaixia…Ở nước Đức hiện nay ngành kinh tế này đã có một bước phát triển 30 năm, Việt Nam cũng cần phải có thời gian. Ngành chất thải và rác thải là ngành kinh tế đặc thù, phải thấy hiệu quả của nó từ ý thức của người dân, nó đem lại hiệu quả kinh tế khi mà chất thải không chỉ coi là rác mà là nguồn nguyên liệu. Nhưng trước hết phải chú ý đến vấn đề môi trường vì các nước càng ngày càng phát triển thì càng sản sinh ra nhiều chất thải, sau đó mới tính đến hiệu quả kinh tế”.

MINH ĐẠO

Leave a Reply

Bình luận của bạn xin viết đúng chính tả và có dấu, cảm ơn bạn.