Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Đằm sâu hai đầu thương nhớ

1 nhận xét
Đúng 8 giờ, ngày N-1, chuyến hải trình giữa muôn trùng đại dương sóng gió của tàu Trường Sa 22 cập bến đất liền an toàn. Ắp đầy niềm thương và nỗi nhớ của kẻ ở người đi. Nhiều cung bậc cảm xúc thiêng liêng vỡ oà: xao xuyến dâng trào, nôn nao bồn chồn và lặng lòng thăm thẳm…
Nắm lấy tay nhau hơi ấm đồng đội lưu mãi phút chia tay
Nắm lấy tay nhau hơi ấm đồng đội lưu mãi phút chia tay
Rời đảo An Bang, Trường Sa 22 hướng đông bắc tiến về đảo Trường Sa Lớn. Cách cầu cảng hơn 100 mét, tàu thả neo lợi dụng sóng đẩy vào. Rất đông bộ đội và nhân dân nôn nao đứng kín trên cầu chờ giờ phút bắt dây mồi từ tàu. Và cuộc đưa tiễn giữa người ở lại với người vào đất liền diễn ra khẩn trương mà thấm đẫm tình thương yêu lưu luyến. Siết nặng tay, ôm chặt tình đồng đội…

Hành lý vào đất liền của nhiều chiến sỹ còn có những kỷ vật thiêng liêng nơi mình đã sống: hòn san hô, vỏ ốc, vỏ sò… Hình ảnh người dưới tàu, người trên cầu chuyển cây bàng quả vuông như là biểu tượng truyền lửa, truyền sức sống giữa đất Mẹ Tổ quốc và hải đảo xa …

Tôi không quên hình ảnh thiếu uý Nguyễn Văn Anh nhân viên tàu Trường Sa 22 khi xuống tàu. Anh bị chấn thương khá nặng trong lúc làm nhiệm vụ trên xuồng, phải nằm lại bệnh xá Trường Sa Lớn tạm thời điều trị. Hơn 10 đồng đội trên cầu, dưới tàu ôm dìu cẩn trọng cho Nguyễn Văn Anh bước xuống thành tàu.  

“Những bàn tay vẫy những bàn tay”. Câu thơ của Nguyễn Bính chợt hiện về trong tôi. Tàu hú còi buông neo. Người đi nôn nao, kẻ ở lại bâng khuâng. Giữa họ là biển cả, bên này chụp ảnh lưu hình bóng bên kia. Họ là đồng chí !

Chuyến tàu hôm nay còn có sự kiện đặc biệt. Đó là gia đình anh Nguyễn Văn Chung và chị Lê Thị Tình cùng 2 con Nguyễn Anh Đức học lớp 3, Nguyễn Thị Quỳnh Hương lớp 2. Họ là hộ duy nhất trong 21 hộ dân của quần đảo Trường Sa vào đất liền. Chị Tình vào bờ chuẩn bị “vượt cạn”. Vợ chồng quê Hà Tĩnh nhưng sẽ vào ở tại xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà cùng ông bà nội. Sau tết cổ truyền, anh Chung trở lại đảo làm nhiệm vụ anh nuôi thay chị. Anh Đức, Quỳnh Hương ở lại cùng mẹ và tiếp tục học với bạn bè đồng trang lứa trên bờ. Đứng trong boong tàu, 3 mẹ con mắt tần ngần như gắn lại với cầu. Trên đó, các anh, các chị và lũ trẻ vẫy chào lưu luyến…

Khi tàu đã đi, tôi tìm đến chỗ của gia đình anh Chung. Bộ đội nhường cho họ 2 chiếc giường ở tầng 1 của tàu. Chị Tình và Quỳnh Hương say li bì. “Bọn em vào ăn tết với gia đình nhưng rất nhớ bà con, anh em ăn tết ngoài đó. Tình cảm lắm anh ạ”, anh Chung nói. Còn Anh Đức thì thỏ thẻ: “Con rất nhớ các bạn, con muốn ra học ở đảo với các bạn hơn”…  
* * *
0 giờ 21 phút vào hai ngày hôm sau. Tàu chúng tôi đã gặp đèn luồng hướng dẫn vào cảng. Trung uý Hùng giải thích về tín hiệu đèn với tôi: “Không giống trên đường bộ đâu nhá, ở đây xanh bỏ, đỏ đi”. Trường Sa 22 rẽ phải vào cảng Ba Ngòi. Phía đó, một vùng bờ hừng sáng từ đèn pha và những chấm đỏ di động của ô tô chạy trên quốc lộ 1A. 0 giờ 32 phút, tiếng xích sắt rào rạo rơi xuống biển, 3 pha đèn bật sáng boong, tàu Trường Sa 22 thả neo cách cầu cảng Cam Ranh gần 3 hải lý. Lọt vào vùng vịnh, có núi bao bọc nhưng tàu vẫn chao đảo nghiêng 15-20 độ. Sao nhấp nháy treo cao, trăng hạ tuần lấp lánh trên muôn con sóng nhỏ. Nhiều đốm sáng từ thuyền đánh cá của ngư dân lung linh. Bình yên và ấm áp, gần gũi thân thương…

8 giờ, tàu Trường Sa 22 chính thức cập cảng Cam Ranh. Cũng như buổi tiễn ra đi, cầu cảng tiếp đón đoàn về long trọng và thiêng liêng. Tay bắt mặt mừng, niềm vui ngày vào dâng trào khoé mắt. Nụ cười rạng rỡ bên đoá hoa rung rinh…

Chiều, 25 phóng viên báo chí đi tuyến phía nam Trường Sa họp buổi cuối cùng với Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng 4 Hải quân, gồm đại tá Nguyễn Bá Ngọc - Phó Tư lệnh, đại tá Nguyễn Xuân Bình - Phó Chủ nhiệm chính trị và trung tá Nguyễn Hữu Minh - Trưởng Ban Tuyên huấn. Đại tá Ngọc phát biểu: “Tôi xin chúc mừng chuyến tàu đầu tiên đi các đảo phía nam vượt qua sóng to, gió lớn đã cập bến an toàn. Đó là niềm vui của người đi biển cũng như của BTL Vùng chúng tôi. Đây là chuyến đi gian khổ nhất trong năm, nhiệm vụ thu đổi quân, đưa hàng tết, biển động cũng phải vào bằng được các đảo. Đây là lần đầu tiên trong 21 năm tôi làm nhiệm vụ ở Trường Sa có đoàn báo chí ra với quần đảo Trường Sa lớn nhất. Chúng tôi rất trân trọng và cảm ơn các nhà báo đã đến chia sẻ với cuộc sống bộ đội Trường Sa, nhiều gia đình đã vui mừng phấn khởi khi được báo chí thường xuyên thông tin và kịp thời trong những ngày qua”.

Thay mặt đoàn, tôi tri ân những tình cảm quý báu và sự quan tâm hết mực sâu sắc của bộ đội giành cho chúng tôi trong chuyến đi. Chúng tôi hứa sẽ tiếp tục phản ánh những hình ảnh sinh động, tươi mới nhất về những người đang ngày đêm giữ gìn bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc ngoài khơi xa...

Biết tôi công tác tại Báo Lâm Đồng, đại tá Ngọc không dấu cảm xúc chia sẻ với đoàn: “Vui quá, tôi vừa đi tham dự Lễ hội hoa Đà Lạt về. Rất xúc động, rất nhiều người chen chân đứng chụp với đá Trường Sa cạnh Vườn hoa Đà Lạt !”. Anh cũng bày tỏ lòng cảm ơn đến lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và Báo Lâm Đồng đã giúp đỡ vợ đồng chí Khởi (đảo trưởng Trường Sa Lớn) là chị Nguyễn Thị Huế vào làm việc tại cơ quan Báo sau dịp đoàn ra thăm.

Chúng tôi chia tay bộ đội Trường Sa với chiếc Huy hiệu “Chiến sỹ Trường Sa” trên ngực. Mỗi trái tim rạo rực cảm xúc sẽ toả về với những miền quê đất Mẹ thân yêu…
Người ở lại Trường Sa lưu giữ hình ảnh người vào bờ
Người ở lại Trường Sa lưu giữ hình ảnh người vào bờ
Cây bàng quả vuông là quà thiêng liêng của chiến sĩ Trường Sa mang về đất liền
Cây bàng quả vuông là quà thiêng liêng của chiến sĩ Trường Sa mang về đất liền
Mẹ con chị Tình xuống tàu tần ngần mãi với xứ đảo dấu yêu
Mẹ con chị Tình xuống tàu tần ngần mãi với xứ đảo dấu yêu
Chào anh em, chúng tôi vào bờ nhé
Chào anh em, chúng tôi vào bờ nhé
MINH ĐẠO


One Response so far

  1. quang hào (Truong Sa) says:

    Xúc động quá bà con Việt Nam ơi !
    Cùng nhau giữ chủ quyền VN nha.

Leave a Reply

Bình luận của bạn xin viết đúng chính tả và có dấu, cảm ơn bạn.